Động thái trái ngược với 8 năm trước
Sau khi ông Donald Trump đánh bại Phó Tổng thống Kamala Harris và giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng ngày 5/11, phản ứng từ Điện Kremlin khá yên ắng.
Trong khi một loạt các nhà lãnh đạo thế giới - từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến Tổng thư ký NATO Mark Rutte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - đã chúc mừng chiến thắng của ông Trump, thì Tổng thống Nga Vladimir Putin không làm như vậy.
Điều này trái ngược với năm 2016 khi Putin là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng Trump về chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông.
"Chúng ta đừng quên rằng chúng ta đang nói về một quốc gia thù địch, quốc gia này vừa trực tiếp vừa gián tiếp tham gia vào cuộc chiến chống lại nhà nước của chúng ta", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các phóng viên vào sáng 6/10.
Hôm 6/11, ông Peskov nói thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch chúc mừng Trump trong tương lai gần và thay vào đó sẽ chờ xem ông ấy sẽ hành động như thế nào sau khi nhậm chức.
Ngược lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhanh chóng chúc mừng Trump về chiến thắng "ấn tượng".
Chỉ đến ngày 7/11, phát biểu tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở Sochi, Tổng thống Putin mới chúc mừng ông Donald Trump, đồng thời cho hay sẵn sàng đối thoại và ca ngợi sự dũng cảm của ông Trump trước vụ ám sát trong chiến dịch tranh cử.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, ông đã sẵn sàng đối thoại với ông Trump.
Ẩn ý của nhà lãnh đạo Nga
Lý giải về thái độ hờ hững lần này của Tổng thống Nga Putin trước chiến thắng của ông Trump, tạp chí TIME lý giải động thai này là một tín hiệu của Moscow: nếu Mỹ muốn có thỏa thuận hòa bình mà Trump đã hứa trong chiến dịch tranh cử của mình, thì ông sẽ cần nỗ lực hơn vì điều đó, và cái giá cho Ukraine sẽ đặc biệt cao.
"Tổng thống Putin cảm thấy ông đang bắt đầu với Trump với một vị thế mạnh", Nina Khrushcheva, chuyên gia về chính trị và đối ngoại của Nga tại đại học New School ở New York cho biết.
Điều đó khiến Tổng thống Nga trở thành một ngoại lệ trong số các nhà lãnh đạo châu Âu trong cách tiếp cận với Tổng thống đắc cử Mỹ, khi nhiều người đưa ra cam kết sẽ hợp tác với chính quyền Trump.
Để có được phản ứng này, nguyên nhân là diễn biến trên thực địa đang có lợi cho Moscow. Trên khắp tiền tuyến, đặc biệt là ở khu vực Donbas, lực lượng Nga đã đạt được những bước tiến chậm nhưng chắc trong năm nay, sử dụng pháo binh và bom trên không để tàn phá các thị trấn trước khi tràn vào.
"Ông Putin không bị áp lực phải đàm phán", một cựu quan chức cấp cao của Mỹ, người duy trì các mối liên hệ cấp cao ở cả Washington và Moscow, cho biết. Nếu ông Trump quyết định muốn thỏa thuận với ông Putin thì "người Nga sẽ quan tâm", ông nói.
"Tôi chắc chắn rằng họ đã thăm dò được rất nhiều về các lựa chọn. Nhưng họ sẽ không phản hồi cho đến khi Washington quyết định những gì họ muốn". Nói cách khác, Trump sẽ là người phải đưa ra động thái đầu tiên theo hướng của Putin, cựu quan chức này nói thêm.
Minh Khôi