Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai mới đây đã phối hợp liên khoa chữa trị, giành lại sự sống cho một bệnh nhân 20 tuổi. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng sốt cao, vết mổ thành bụng chảy dịch mủ, diễn biến xấu, lơ mơ, suy hô hấp, tràn dịch đa màng, chẩn đoán sốc nhiễm trùng, suy tim, suy thận.
Bệnh nhân đã được điều trị cấp cứu và qua cơn nguy cấp. Qua điều tra bệnh sử, bệnh nhân có bệnh lý nền lupus ban đỏ. Lần này bệnh nhân bị khởi phát đợt cấp tính sau khi sinh mổ.
Do tình trạng lupus ban đỏ diễn biến nặng, vết mổ thành bụng toác rộng, khó liền nên bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc và sốc bất kỳ lúc nào. Thậm chí, người nhà đã tính đến việc đưa bệnh nhân về để lo hậu sự.
Bệnh nhân 20 tuổi nhưng thể trạng gầy mòn, suy kiệt, nặng chưa tới 30kg. Tình trạng của bệnh nhân nặng, nhưng các bác sĩ xác định “còn nước còn tát”. Bệnh nhân được bồi phụ dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, vừa điều trị bệnh, chăm sóc vết mổ, tiếp tục ghép da.
Ròng rã gần 4 tháng điều trị với sự kết hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, bệnh nhân đã khỏi bệnh và được ra viện.
Bác sĩ Đoàn Thu Trà, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, với những trường hợp ca bệnh khó, bệnh hiểm nghèo, bệnh viện sẽ tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa, toàn bệnh viện để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. Đây cũng là “đặc sản” của bệnh viện mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
“Những nụ cười, giọt nước mắt vui sướng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi ra viện, chính là động lực xua tan mọi mệt mỏi, thúc đẩy chúng tôi tiếp tục nỗ lực cống hiến và đam mê với nghề”, bác sĩ Trà chia sẻ.
Hội chẩn liên khoa điều trị ca bệnh khó
Ngoài trường hợp của bệnh nhân 20 tuổi ở trên, đã có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng, hiểm nghèo khác được Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa, toàn bệnh viện để có phác đồ điều trị tối ưu.
Ví dụ, một trường hợp bệnh nhân nặng khác cũng được điều trị thành công tại Bệnh viện Bạch Mai đó là bệnh nhân P.T.H. (55 tuổi, trú tại Hải Phòng). Cách đây nửa tháng trước, bệnh nhân cảm thấy cơ thể suy kiệt, đau đớn, tâm lý bất an, đi lại khó khăn.
Bệnh nhân H. bị viêm mô bào vùng hậu môn, bẹn tái phát nhiều lần do tụ cầu vàng. Khởi phát chỉ là nốt mụn nhỏ sưng tấy, đau đớn khiến bệnh nhân đi lại khó khăn. Bệnh nhân đã chạy chữa, thăm khám ở nhiều nơi, thậm chí trải qua 2 lần phẫu thuật, nhưng tình trạng lại tiến triển nặng hơn.
Việc điều trị dai dẳng, bệnh không dứt khiến bệnh nhân chán nản, ám ảnh những tháng ngày thăm khám, phẫu thuật. Bệnh nhân thậm chí từng nghĩ mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo không thể chữa trị được.
Bệnh nhân đến bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, ớn lạnh, toàn thân đau nhức, sưng phù nề, chảy dịch mủ. Sau khi được các y bác sĩ điều trị bằng kháng sinh và chăm sóc đúng cách, bệnh tình của bệnh nhân này đã cải thiện. Sau đó, bệnh nhân đã được xuất viện.
1 tháng sau khi xuất viện, bệnh nhân quay lại viện để tái khám và có kết quả tốt. “Tôi cảm thấy thực sự đã được cứu từ cõi chết trở về”, bệnh nhân H chia sẻ.
Theo PGS.TS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, việc hội chẩn, phối hợp đa chuyên khoa cùng lúc được thực hiện thường xuyên, nhanh chóng đem lại kết quả tuyệt diệu trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân nặng. Ca các bệnh nặng tưởng chừng như khó thể cứu được như trường hợp bệnh nhân 20 tuổi ở trên đã được cứu sống một cách ngoạn mục.
Ngọc Minh