Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 216 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, trong đó chiếm hơn 80% là tử vong do tai nạn đuối nước. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 27 ca trẻ em tử vong do đuối nước.
Trăn trở trước thực trạng các ca tai nạn đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, thầy giáo thể dục Mai Văn Chuyền, giáo viên trường THCS Ngô Mây, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu huyện Cư Mgar, đã thành lập dự án "Bể bơi di động về Buôn", tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em.
Thầy giáo Mai Văn Chuyền cho biết để mở lớp, câu lạc bộ vận động nguồn kinh phí xã hội hóa gần 50 triệu đồng để mua trang thiết bị, kêu gọi các giáo viên thể dục ở các trường trong xã tình nguyện tham gia giảng dạy.
Bể bơi nhân tạo có kích thước rộng 5,1m, dài 15,6m và cao 1,2m được đặt tại khoảng sân trống trước nhà người dân, sử dụng nguồn nước giếng khoan bơm từ các nhà dân trong khu vực và cách 2 ngày lại được vệ sinh, thay nước một lần. Lớp học đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và chính quyền địa phương.
Các em học sinh cũng rất hào hứng với lớp học. Em Phan Hoàng Quý Phước, ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư Mgar nói: "Nhà con ở rất xa nên để đi ra chỗ khác để học bơi không tiện. Mấy cô chú đã đem hồ bơi về đây, nhờ vậy con đã biết bơi và không còn sợ nước như ngày xưa nữa".
Dự án Bể bơi di động về buôn bắt đầu triển khai từ tháng 4/2020 đến nay, đã có 7 xã triển khai bể bơi di động bao gồm Quảng Hiệp, Cư M'gar, Ea M'droh, Quảng Tiến của huyện Cư M'gar, các xã Yang Reh, Ea Tul, Cư Pui của huyện Krông Bông.
Tại mỗi điểm đặt bể bơi, có sự góp mặt tham gia của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tình nguyện viên và các giáo viên tại địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí vận hành. Anh Hà Mạnh Tuấn, giáo viên trường THCS Ngô Mây, xã Ea Mdroh chia sẻ: ""Phối hợp với thầy Chuyền giảng dạy kỹ năng bơi cho các cháu trong dịp hè để các cháu ở địa phương mình được học miễn phí".
Ngoài ra, dự án đã được tổ chức hoạt động tuyên truyền tại 25 xã, phường thuộc 4 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Đắk Lắk về nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước và kỹ năng sơ cấp cứu.
Theo thầy Chuyền, bể bơi di động giúp việc đi đến các thôn buôn, những điểm nóng sẽ dễ dàng hơn. "Mục đích là tuyên truyền cho các em những kỹ năng, kiến thức để an toàn trong môi trường nước, cách xử lý khi gặp người bị nạn đuối nước, trang bị cho các em kỹ năng bơi, kỹ năng sinh tồn dưới nước", thầy giáo Mai Văn Chuyền nói.
Dự án Bể bơi di động về buôn muốn về nhiều địa phương hơn
Dự án kỳ vọng sẽ giúp cho từ 200-250 em được học bơi và nắm vững các kỹ năng về phòng chống đuối nước hiệu quả. Đồng thời, mong muốn tiếp cận được từ 15.000 đến 18.000 người trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về các kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước và kỹ thuật sơ cấp cứu cơ bản.
Và trong vòng 5 năm tới có thể nhân rộng và lan tỏa dự án Bể bơi di động về buôn tới 3 địa phương khác.
Mô hình này có thể nhân rộng bởi chi phí vận hành, triển khai dự án thấp. Mỗi bể bơi di động kích thước 15.6m x 5.6m x 1.2m trị giá khoảng 34 triệu đồng. Mô hình CPR hướng dẫn sơ cấp cứu cơ bản 4.000.000 đồng/mô hình. Kinh phí tổ chức, duy trì vận hành bể bơi sẽ huy động tình nguyện của giáo viên và thanh niên, cộng đồng dân cư của địa phương.
Dự án nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương do phù hợp về trật tự - an ninh xã hội và sự phát triển của địa phương. Các hoạt động của dự án có tính chất kịp thời, hiệu quả. Dự án đảm bảo về mặt nhân văn và tính thực thi về quyền sống của trẻ em. Dự án có thể tranh thủ được các nguồn lực đến từ địa phương thông qua dự án, tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên được phát huy.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West, Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
1. Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
- PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
- Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
- Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
- Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TP HCM, TikTok
Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây.
Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Dy Khoa