Siêu bão đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, chiều 5/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi (bão số 3). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự chỉ đạo cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.
Các Trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.
Dự báo khoảng đêm 6/9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Khoảng chiều đến đêm ngày 7/9, bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, sau đó di chuyển sang phía Tây Bắc bộ, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần, tờ Nhân dân dẫn lại phân tích của chuyên gia khí tượng.
Người dân không nên ra đường từ sáng thứ 7
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết: "Cơn bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây có thể đổ bộ vào miền Bắc" vì vậy cần gấp rút hoàn thành công tác phòng, chống siêu bão.
Về thời điểm bão đổ bộ từ ngày 7/9, ông Luận khuyến cáo từ sáng thứ bảy (ngày 7/9) người dân nên ở nhà, vì theo dự báo bán kính hoàn lưu của bão rất rộng. Ngoài việc ảnh hưởng của bão còn có thể có giông lốc xảy ra trong khi hiện nay người dân sử dụng mái tôn, biển quảng cáo rất nhiều, cây xanh cũng có nguy cơ đổ gãy cao, báo Thanh niên thuật lại phân tích của ông Luận.
Tổng kết cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, bão số 3 khó dự báo. Trên đường tiến vào Biển Đông, bão gặp những điều kiện thuận lợi để thành siêu bão. Thực tế, bão đã tăng mấy cấp độ trong 24 giờ qua.
Dù bão mạnh, Phó Thủ tướng cho rằng, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc ứng phó bão, với cơ quan thường trực là Bộ NN-PTNT.
Ngoài dự báo về bão, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai lưu ý thêm về dự báo thủy văn, bởi đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới hướng di chuyển, tốc độ, cũng như hoàn lưu của bão.
Yếu tố nữa được Phó Thủ tướng nêu là sự phối hợp giữa các lực lượng liên quan. “Các bên đều có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các cấp, từ lãnh đạo, đều phải nêu cao tinh thần chủ động. Sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sau hàng chục năm, Đồng bằng sông Hồng lại đón 1 cơn bão lớn. Đường đi bão ổn định, dự báo của các cục đều trùng khớp về cường độ, mức độ cảnh báo rủi ro. Đặc biệt, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lại là khu trung tâm của kinh tế, công nghiệp,… Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị các cơ quan và đơn vị cần hành động nhanh chóng và chuẩn bị tốt để ứng phó kịp thời với tình hình bão.
“Với cường độ gió mạnh như dự báo thì sức tàn phá của bão số 3 sẽ rất lớn. Do đó, phải đặt ra các kịch bản khác nhau, không chờ công điện chỉ đạo từ trên, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, chỉ đạo hoạt động sinh sống và sản xuất của người dân. Hi vọng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, chúng ta sẽ vượt qua bão số 3 an toàn”, báo Nông nghiệp dẫn lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Theo bản tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 13h hôm nay (5/9), vị trí tâm siêu bão số 3 nằm trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 460km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h) tức cấp siêu bão, giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.
Dự báo khoảng 13h ngày mai (6/9), siêu bão cách Quảng Ninh khoảng 510km về phía Đông Đông Nam.
Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Trên đất liền, từ gần sáng ngày 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.
Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.
Bình luận tiêu biểu (0)