Xoay xở đủ kiểu để chăm sóc mẹ
Tôi là Vương Thúy Lan, lớn lên trong trong một gia đình có 2 anh em ở Chiết Giang, Trung Quốc. Bố mẹ tôi là những công nhân viên chức nên điều kiện kinh tế cũng chỉ ở mức bình thường. May mắn thay, gia đình luôn tin rằng chỉ có học mới thay đổi được cuộc sống. Nên 2 anh em chúng tôi được bố mẹ tạo điều kiện hết mức để học hành.
Luôn cố gắng từng chút một, tôi chưa bao giờ khiến bố mẹ phải phiền lòng về việc học của mình. Trái ngược, anh trai tôi lại nghịch ngợm từ nhỏ và không tập trung cho việc học. Học xong cấp 2, anh bỏ dở và chọn đi làm cùng một vài người hàng xóm. Dù bố mẹ tôi không muốn điều này nhưng họ cũng không thể can ngăn.
Thời gian trôi qua, tôi đi học đại học rồi định cư luôn tại thành phố. Chỉ 2 năm sau đó, tôi cũng kết hôn và có gia đình nhỏ của mình. Trong khi đó, anh trai tôi lựa chọn cuộc sống độc thân, lang thang khắp các thành phố để kiếm sống nhưng vẫn bấp bênh.
Đôi lần, tôi đã thuyết phục anh trở về quê, vừa kiếm sống dễ hơn, vừa có thể chăm sóc bố mẹ. Song anh từ chối việc này. Vì lo nghĩ cho người con trai, bố mẹ tôi già nhanh hơn tuổi. Ông bà lúc nào cũng buồn phiền và lo âu.
Cho đến đầu năm 2018, bố tôi qua đời. Nhìn thấy cảnh mẹ một mình lủi thủi ở quê nhà, tôi đón bà lên thành phố sống cùng. May mắn chồng tôi là người hiểu chuyện nên anh ấy luôn hỗ trợ tôi việc chăm sóc mẹ.
Ở nhà tôi được 2 tháng, mẹ mong muốn được về quê. Bởi cuộc sống ở thành thị khiến bà cảm thấy cô đơn do thiếu đi những người bạn bè, hàng xóm thân thiết. Không thể làm được khác, vợ chồng phải sắp xếp công việc để đưa bà trở về.
Ở thêm với mẹ vài ngày, vợ chồng tôi quay trở lại thành phố để tiếp tục công việc. Chỉ 2 tuần sau đó, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của cụ bà hàng xóm. Bà cho biết mẹ tôi trượt chân ngã trong nhà tắm đang phải cấp cứu. Từ thành phố, tôi tức tốc lái xe về ngay trong đêm.
Sau lần ngã đó, sức khỏe của mẹ dần một sa sút. Bà không thể tự chăm sóc bản thân mà cần có người hỗ trợ. Ban đầu, tôi và chồng lên kế hoạch sẽ thuê bảo mẫu. Tuy nhiên, những người này đến và chỉ làm được 1 thời gian ngắn rồi xin nghỉ.
Không còn lựa chọn nào khác, tôi quyết định xin nghỉ công việc hiện tại để trở về chăm sóc mẹ. Trong suốt khoảng thời gian từ năm 2019 cho đến đầu năm nay, chỉ có vợ chồng tôi hỗ trợ nhau nhằm chăm sóc mẹ một cách chu đáo nhất.
Vì mất đi một nguồn thu nhập, kinh tế gia đình cũng khó khăn hơn trước. Song chúng tôi vẫn cố gắng xoay xở để mẹ không phải thiếu thốn thứ gì.
Tôi đã nhiều lần nhắn tin để kể với anh cả về tình hình của mẹ, cũng mong muốn anh giúp sức. Song lần nào, anh cũng nhắn cho tôi vỏn vẹn 1 câu: “Anh không có tiền, khi nào có tiền anh sẽ gửi cho em”.
Không chỉ có cuốn sổ tiết kiệm trị giá 4.000 NDT
Thời gian thấm thoắt trôi qua. Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, mẹ qua đời. Trước lúc rời xa, mẹ vẫn đủ tỉnh táo để dặn dò con cháu đồng thời trao lại bản di chúc đã được lập cách đây 3 năm.
Sau khi mở di chúc, tôi khá bất ngờ với nội dung bên trong. Theo đó, mẹ để lại toàn bộ căn nhà hiện tại cho anh trai. Thứ duy nhất mẹ ghi trong di chúc dành tặng tôi là 1 sổ tiết kiệm trị giá 4.000 NDT (hơn 10 triệu đồng).
Có chút buồn và cảm thấy tủi thân song tôi tôn trọng quyết định của mẹ nên cũng không suy nghĩ nhiều sau đó. Tôi lặng lẽ làm các thủ tục nhận tài sản rồi quay trở lại thành phố.
Cho đến tháng 4 vừa qua, tôi có việc cần đến ngân hàng ở quê nhà để giải quyết. Tôi bất ngờ khi nghe giao dịch viên thông báo đang được thụ hưởng 2 sổ tiết kiệm, bao gồm 1 sổ trị giá 4.000 NDT như mẹ đã ghi trong di chúc, và kèm thêm 1 sổ trị giá 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng). Khi tôi hỏi cụ thể hơn, nhân viên ngân hàng cho biết chính mẹ tôi đã lập ra 2 cuốn sổ này và muốn trao tặng cho tôi.
Đến lúc này, tôi mới hiểu rằng mẹ thật sự yêu quý 2 anh em chúng tôi như nhau. Mẹ hiểu được công lao của vợ chồng tôi nên không muốn các con phải chịu cảnh thiệt thòi. Vậy mà trước đây ngay khi đọc được bản di chúc, tôi đã có chút thất vọng về mẹ.
Bình luận tiêu biểu (0)