Sinh nhật là ngày mà trẻ con háo hức mong đợi nhất, bởi khi đó chúng sẽ được trở thành nhân vật chính của mọi sự quan tâm. Cảm giác được bạn bè vây quanh chúc mừng sinh nhật, cùng nhau thưởng bánh kẹo, thổi nến khiến các bé vô cùng thích thú. Vậy nên, nhiều phụ huynh đã lựa chọn tổ chức sinh nhật cho con tại trường mầm non để bé có thể chia sẻ niềm vui với bạn bè và thầy cô.
Mới đây, netizen Trung Quốc đã chia sẻ khá nhiều về một câu chuyện có liên quan đến chủ đề này. Nhân vật chính trong câu chuyện là một cậu bé tên Tiểu Vũ, đang học mầm non. Sinh nhật năm nay của Tiểu Vũ rơi vào thứ 7. Vì từng được tham gia rất nhiều bữa tiệc sinh nhật náo nhiệt và vui nhộn của các bạn cùng lớp nên cậu bé cũng ước ao được trải nghiệm cảm giác tuyệt vời ấy, bởi vậy, từ trước sinh nhật một khoảng thời gian, Tiểu Vũ đã liên tục đòi bố mẹ tổ chức sinh nhật tại lớp cho mình.
Chiều lòng con, bố mẹ Tiểu Vũ đã nhờ cô giáo tổ chức sinh nhật cho con trai mình luôn vào thứ 6, ngày cậu bé vẫn cần đến trường. Vào ngày diễn ra sự kiện, mẹ Tiểu Vũ đã đặt một chiếc bánh kem dâu tây tươi ngon đến trường mẫu giáo của con trai vì chị biết con trai mình thích dâu tây nhất. Quả nhiên, Tiểu Vũ đã vô cùng hào hứng khi nhìn thấy chiếc bánh và không thể chờ đợi để cùng các bạn thưởng thức.
Những tưởng con trai sẽ có một bữa tiệc sinh nhật vui vẻ, nhưng đến chiều, khi tan học, mẹ của Tiểu Vũ vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh con mình chạy òa vào lòng mẹ và khóc. Cậu bé mếu máo nói với mẹ rằng... dâu tây đã bị cô giáo ăn hết.
Nghe thấy những lời này, mẹ Tiểu Vũ vô cùng tức giận. Chị không thể hiểu nổi vì sao một người lớn lại có thể làm như vậy. Đem sự bức xúc ấy trực tiếp lên gặp hiệu trưởng để trình bày sự việc, mẹ của Tiểu Vũ cho biết mình đã rất kỳ vọng vào buổi sinh nhật của con nhưng giờ thì thất vọng vô cùng khi biết chuyện này xảy ra.
Hiệu trưởng sau khi an ủi mẹ Tiểu Vũ đã mời cô ngồi xuống rồi mở lại đoạn ghi hình từ camera giám sát trong lớp học để làm rõ mọi chuyện. Và những gì xuất hiện sau đó khiến người mẹ vô cùng choáng váng.
Sự thật là, khi cô giáo cắt bánh thì nhận thấy các quả dâu tây đều được cắm cố định bởi một chiếc tăm, nếu đưa trực tiếp cho bọn trẻ thì quá nguy hiểm. Vì vậy, giáo viên đã lấy hết tăm bên trong ra và đem dâu tây đi rửa sạch. Tuy nhiên, tổng cộng chỉ có khoảng 20 quả dâu tây, nhưng tổng số học sinh trong lớp là hơn 30 em. Do đó, cô giáo đã lấy một con dao gọt hoa quả sạch, cắt đôi quả dâu tây để chia đủ cho cả lớp. Có lẽ, vì không còn nguyên vẹn hình dạng nên bọn trẻ đã tưởng rằng thứ chúng được ăn không phải là dâu tây.
Trước cảnh tượng này, mẹ Tiểu Vũ cảm thấy vô cùng ân hận và xấu hổ. Cô nhận ra mình đã hiểu lầm giáo viên và trách móc họ một cách vô lý. Người mẹ liền cúi đầu xin lỗi hiệu trưởng và nói rằng sẽ mắng Tiểu Vũ một trận vì đã nói dối.
Tuy nhiên, hiệu trưởng đã ngăn nữ phụ huynh lại, nói: “Trẻ em ở độ tuổi này có trí tưởng tượng rất phong phú, chúng có thể phóng đại mọi thứ lên theo suy nghĩ của mình. Khi cô giáo lấy dâu tây ra khỏi chiếc bánh và mang đi rửa có lẽ đã khiến cậu bé hiểu nhầm, nghĩ rằng dâu tây đã bị cô giáo ăn hết. Hành động này chỉ đơn giản là do sự nhầm lẫn và không có ý gì khác cả. Cậu bé không cố ý nói dối, cũng không làm gì sai cả. Điều này thực chất là do sự phát triển tâm lý còn non nớt của trẻ gây nên sự nhầm lẫn giữa tưởng tượng và thực tế”.
Sau sự việc này, người mẹ nhận ra rằng bản thân vẫn chưa hiểu nhiều về sự phát triển của con cái, đồng thời cũng rất biết ơn sự giáo dục tận tâm của các thầy cô trong trường.
Sự phát triển của trẻ em phức tạp và khác xa so với những gì người lớn vẫn thường nghĩ. Đặc biệt là ở độ tuổi mẫu giáo, các em chưa có khả năng tổng quan và đánh giá tình huống một cách toàn diện như người lớn nên thường nhìn nhận thế giới xung quanh qua lăng kính riêng của mình. Do đó, khi kể về một sự việc xảy ra ở trường, lời kể của bé có thể chưa hoàn toàn chính xác hoặc thiếu đi nhiều chi tiết quan trọng. Thay vì vội vàng đưa ra kết luận, cha mẹ nên giữ một tâm thế khách quan để nhìn nhận sự việc.
Trước một vấn đề xảy ra với trẻ, điều quan trọng là cha mẹ cần giữ bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân một cách sâu sát. Thay vì làm ầm ĩ, chúng ta nên lắng nghe từ nhiều phía, từ bạn bè, thầy cô của con để có cái nhìn đa chiều hơn về sự việc, tránh hiểu sai con hay những người xung quanh. Hoặc đặt những câu hỏi mở như: “Con đã làm gì trước khi chuyện đó xảy ra?”, “Các bạn khác có nói gì không?”, “Thái độ của những người xung quanh lúc đó như thế nào?”... để hiểu rõ hơn về tình huống và có cái nhìn khách quan hơn. Điều này không chỉ giúp giải quyết vấn đề hiệu quả mà còn tránh những tổn thương không đáng có.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên chủ động liên hệ với giáo viên để trao đổi về tình hình của con. Bởi giáo viên chính là người đồng hành cùng con mỗi ngày tại trường học. Họ là những người trực tiếp quan sát, tương tác và hiểu rõ nhất về hành vi, thái độ cũng như sự phát triển của con. Nhờ vậy, cha mẹ có thể được cung cấp những thông tin khách quan, những góc nhìn sâu sắc và những lời khuyên hữu ích nhất về cách nuôi dạy con.
Theo Baidu
Trang Vũ