Đánh giá chi tiết SSD Kingston HyperX 240GB: Nhanh tột đỉnh!

06/09/2013 11:27:36
Đã hơn 3 tuần trôi qua kể từ bài đánh giá SSDNow V+200 90GB – Chiếc SSD được Kingston gắn mác “Business” dành cho doanh nhân. Ngày hôm nay tôi lại hân hạnh được thử nghiệm một sản phẩm khác mang tên HyperX 240GB – được định hướng đến phân khúc người dùng cao hơn gọi là “Enthusiast consumer” (website của Kingston Việt Nam dịch là “người đam mê”!?). Vậy chúng ta nên mong chờ những điểm vượt trội gì ở HyperX so với những Kingston SSDNow, Corsair Force 3 hay OCZ Agility 3 mà lâu nay chúng ta vẫn thèm thuồng?
 
- Giao tiếp? Tất nhiên phải là SATA 3.
 
- Tốc độ ư? Rất tiếc 3 cái tên kia chắc chỉ kịp ngửi khói!
 
- Giá cả ư? Ừm… Thực ra đây không phải là điều thú vị lắm khi đề cập đến bất kì chiếc SSD nào. Kingston HyperX có 2 mức dung lượng 120GB và 240GB với 2 phiên bản cho người dùng lựa chọn: bản thường không phụ kiện và bản “Upgrade kit” có thêm vài món đồ chơi hay ho. Giá Kingston đưa ra cho SSD HyperX là 269 USD tương đương hơn 5,5 triệu đồng (120GB) và 499 USD tương đương hơn 10,3 triệu đồng (240GB) cho bản thường; 299 USD tức hơn 6,2 triệu đồng (120GB) và 549 USD tức hơn 11,4 triệu đồng (240GB) đối với bản “Upgrade kit”. So ra thì mức giá này đắt gấp rưỡi so với SSDNow hay Force 3, Agility 3 cùng dung lượng. Điều đáng mừng ở đây là tốc độ của HyperX so với 3 sản phẩm nêu trên không chỉ dừng ở mức gấp rưỡi!
 
Thông số kỹ thuật
Khách mời được đọ sức cùng Kingston HyperX 240GB hôm nay là Corsair Force 3 90GB. Cần phải nói rõ dung lượng là một yếu tố tác động rất lớn đến tốc độ của SSD, bản thân Corsair Force 3 cũng không phải dòng SSD tầm cao của Corsair. Sự so sánh này không mang mục đích gì khác ngoài thể hiện tốc độ của Kingston HyperX 240GB so với các SSD thông thường.
Lưu ý: Giá và thông số lấy trên website của hãng, thực tế có thể sai khác.
 
Nhìn vào thông số, Kingston HyperX hoàn toàn chẳng hơn Corsair Force 3 chút nào nhưng giá thì đắt hơn nhiều! Tại sao lại như vậy? Vấn đề nằm ở phần mềm benchmark và cách lựa chọn thông số của hãng sản xuất. Các phần mềm đo tốc độ SSD dựa trên 2 kiểu dữ liệu: dữ liệu nén (compression data) và dữ liệu ngẫu nhiên (random data). Có thể hiểu compression data là dữ liệu ở trạng thái tốt nhất, liên tục, và các kết quả benchmark compression data được hãng lựa chọn đưa thành thông số kỹ thuật để quảng cáo. Trong khi đó random data luôn luôn cho kết quả thấp hơn nhiều. Điều đáng nói ở đây là hầu như các hành vi truy xuất của hệ thống đều ở dạng truy xuất ngẫu nhiên nên kết quả random data mang nhiều ý nghĩa thực tế hơn hẳn! Điều này sẽ được kiểm chứng trong các bài test bên dưới.
Tạm xong phần điểm sơ về thông số, bây giờ hãy đi vào những chi tiết đáng chú ý của Kingston HyperX.
 
SATA 3 (6 Gb/s)
 
Đây là chuẩn giao tiếp mới cung cấp băng thông tới 6 Gb/s cho các ổ cứng lưu trữ, so với 3 Gb/s của SATA 2 (lưu ý là Gb/s nhé, phải chia 8 mới ra GB/s). Con số này chẳng có ý nghĩa gì đối với các HDD hiện nay khi chúng còn chưa khai thác hết nổi tốc độ của SATA 2, nhưng đối với SSD thì lại là chuyện khác. Với tốc độ đọc-ghi lên tới hơn 500 MB/s, ngưỡng 375 MB/s của SATA 2 sẽ giết chết sự phát triển của SSD nếu như SATA 3 không ra đời. Điều này cũng có nghĩa nếu bo mạch chủ không có cổng SATA 3, bạn đương nhiên thiệt rất, rất nhiều tốc độ.
Một lưu ý nữa là ngoài 2 cổng SATA 3 do chipset điều khiển, nhiều bo mạch chủ hiện nay còn cung cấp thêm 2 cổng nữa được quản lý bởi chip chuyển Marvell. Sử dụng các cổng này cũng làm giảm tốc độ SSD bởi chúng chỉ liên kết với 1 làn PCI-Express (PCI x1).
 
Chip nhớ 25nm NAND Flash
  
Khác với bộ xử lý hay chip đồ họa, công nghệ nano đối với chip nhớ không phải hoàn toàn đem lại lợi ích. Song song với việc giảm kích thước transistor, tuổi thọ của SSD cũng đã giảm đi đáng kể, từ 10000 xuống còn 5000 chu kì ghi/xóa. Thậm chí có tin đồn cho rằng trên tiến trình 22nm, chúng ta chỉ còn lại 3000 chu kì ghi/xóa!
Tuy nhiên đừng vội hoảng sợ. Làm 1 phép tính nho nhỏ thế này: giả sử bạn có trong tay 1 chiếc SSD 60GB. Với 3000 chu kì ghi/xóa bạn được phép ghi/xóa 180000 GB. Cứ cho rằng bạn định “bóc lột” chiếc ổ liên tục không nghỉ một giây nào trong suốt 20 năm thì mỗi năm bạn phải ghi/xóa 9000 GB mới “phá” xong chiếc ổ, mỗi ngày là 24 GB tức 1 GB/giờ! Đấy là còn chưa kể SSD chỉ dùng để cài hệ điều hành và ứng dụng, nhu cầu ghi/xóa rất ít.
Trở lại với Kingston HyperX 240GB: 16 chip nhớ phân bố đều trên 2 mặt của bảng mạch, được quản lý bởi chip điều khiển 8 kênh SandForce SF-2281. SF-2281 hỗ trợ tốc độ lên tới 500 MB/s, tức 62,5 MB/s mỗi kênh.
 

 
TRIM là gì?
  
Chúng ta đều đã biết tốc độ của SSD bị giảm dần theo thời gian (chính xác hơn là tốc độ ghi, còn tốc độ đọc ít bị giảm hơn). Nguyên nhân nằm ở cơ chế ghi xóa của hệ điều hành. Sự ra đời của TRIM nhằm khắc phục triệt để điều này, giúp SSD của bạn vẫn duy trì được tốc độ. Tuy nhiên, TRIM có nhược điểm là một khi kích hoạt, bạn sẽ hoàn toàn không thể khôi phục lại dữ liệu lỡ xóa hoặc format. Nguyên nhân chậm dần của SSD và cơ chế của TRIM khá dài dòng nên nếu có dịp, tôi sẽ trình bày ở một bài viết khác.
 
Dung lượng thực
Bỏ ra hàng trăm USD cho một chiếc ổ cứng dung lượng nhỏ đã là điều không hề dễ dàng, càng đáng ghét hơn nữa khi dung lượng thực sự của chúng còn nhỏ hơn trên bao bì! Thủ phạm chính là sự sai khác giữa cách tính thương mại của hãng sản xuất và cách tính nhị phân của hệ điều hành.
- Cách tính thương mại: 1 KB = 1000 Byte; 1 MB = 1000 KB; 1 GB = 1000 MB.- Cách tính nhị phân: 1 KB = 1.024 Byte; 1 MB = 1024 KB; 1 GB = 1024 MB.
Theo đó đối với bất kì ổ cứng nào, dung lượng thực chúng ta nhận được chỉ đạt khoảng 93% dung lượng trên bao bì. Đối với Kingston HyperX 240GB là 223,5 GB – mất tới 16,5 GB!
 

 
Gặp gỡ Kingston HyperX 240GB
  
Sản phẩm tôi nhận được từ Kingston là phiên bản “Upgrade kit” được đóng hộp khá đẹp, còn nguyên ni-lông chưa bóc!
 

 

Vỏ hộp được chăm chút kĩ về hình thức. Trên mặt trước là hình ảnh sản phẩm, các thông tin về tốc độ, dung lượng,  bảo hành… Theo đó, SSD Kingston HyperX có chế độ bảo hành 3 năm, tốc độ đọc-ghi đạt được là 525 – 480 MB/s. Trong khi đó trên website của hãng lại đề phiên bản 240GB này có tốc độ 555 – 510 MB/s??

 

 

Mặt sau của vỏ hộp là vài dòng quảng cáo bằng nhiều thứ tiếng, không mang nhiều ý nghĩa lắm. Điều duy nhất hay ho là có cả tiếng Việt. Ngay dưới đó là danh sách các phụ kiện đi kèm của bản “Upgrade kit”, bao gồm ổ SSD Kingston HyperX, một box gắn ngoài giao tiếp USB 2.0, một khay chuyển 3,5” sang 2,5” để gắn vào thùng máy, 1 cáp SATA 3, 1 đĩa cài đặt phần mềm và 1 bộ tua-vít để lắp khay chuyển.
 

 
Lên đến tầm HyperX, ngay đến đầu tượng – hình ảnh có thể coi là “linh vật” của Kingson cũng có sự thay đổi, trông oai và ngầu hơn hẳn.
 

 

 
Mở vỏ hộp ra, bên trong là chiếc SSD được bọc bởi lớp mút cứng chống va đập.
 

 

 

Có thể thấy sự chăm chút của Kingston đối với sản phẩm khi hãng trang bị thêm cả khay chuyển 3,5” – 2,5” để gắn vào thùng máy, tua-vít 3 đầu bắt ốc cho khay chuyển này và cả 1 cáp SATA 3 nữa. Ngoài ra còn có cả box gắn ngoài phục vụ nhu cầu di chuyển dữ liệu, chỉ tiếc rằng box này chỉ sử dụng giao tiếp USB 2.0.
 

 

Kingston HyperX 240GB mang hình thức không lẫn vào đâu được của một sản phẩm high-end, mang sắc xanh truyền thống của dòng HyperX. Khác với nhiều sản phẩm khác, chiếc SSD này sử dụng loại ốc lục lăng đặc biệt có chấu ở chính giữa. Rất khó để tìm tua-vít mở loại ốc này trên thị trường.
 

 

 

 
Chiếc SSD đương nhiên sử dụng giao tiếp SATA 3 tốc độ 6 Gb/s. Trên sản phẩm vẫn có sự hiện diện của jumper – thứ không thực sự cần thiết ngày nay.
 
Cấu hình thử nghiệm – Nội dung test
 
Cấu hình thử nghiệm
  
Bo mạch chủ: Gigabyte Z68 UD7-B3
Bộ xử lý: Intel Core i5 2500K
Bộ nhớ trong: 2 x 4GB Kingston HyperX 1600 cas 9
Card đồ họa: MSI GTX 560 Ti Twin Frozr II OC
Nguồn: Seasonic X660
Ổ cứng: Kingston HyperX 240GB              Corsair Force 3 90GB

Nội dung thử nghiệm bao gồm:
 
- Các phần mềm benchmark ổ cứng: Crystal DiskMark, AS SSD, A Disk Benchmark, HD Tune Pro, HD Tach.- Thời gian khởi động và tắt máy: hệ điều hành Windows 7 Ultimate.- Thời gian sao chép dữ liệu và giải nén: sao chép thư mục nặng 1,16 GB chứa 290 tập tin JPEG; sao chép tập tin mkv nặng 1,86 GB; giải nén tập tin iso nặng 7,08 GB.- Thời gian cài đặt ứng dụng: game StarCraft II và Office 2010 (các bộ cài nằm trong phân vùng cài hệ điều hành).- Thực tế sử dụng tập tin Excel nặng 60 MB dùng để thống kê và dự đoán chứng khoán chứa hàng trăm biểu đồ, cực nhiều số liệu và công thức..- Thời gian nạp màn chơi: StarCraft II.
 
* Lưu ý: do tốc độ của SSD phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dung lượng, số lần ghi/xóa, chipset bo mạch chủ… nên các kết quả phía dưới chỉ có tính tham khảo tương đối. Đặc biệt kết quả sẽ có chênh lệch lớn nếu đem so sánh với ổ khác dung lượng.
 
Phần mềm benchmark ổ cứng: Crystal DiskMark – AS SSD
  
Đây là 2 phần mềm tôi tin tưởng nhất để xác định tốc độ thật sự của SSD. Crystal DiskMark cung cấp 2 kiểu bench là dữ liệu ngẫu nhiên (random) và dữ liệu nén (0x00 hoặc 0xFF). Hãy xem tốc độ quảng cáo và tốc độ thực sự của 2 chiếc SSD này thế nào:
 

 

Tốc độ trong bài test Crystal DiskMark chưa đạt được con số đọc-ghi 555 – 510 MB/s như Kingston quảng cáo. Thế nhưng tốc độ truy xuất ngẫu nhiên của chiếc ổ lại cực kì ấn tượng: đọc-ghi 520 – 316 MB/s, bỏ xa sản phẩm tầm trung Corsair Force 3 chỉ đạt 210 – 120 MB/s! Ngoài ra tốc độ truy xuất cỡ page (4K) và cỡ block (512K) cũng thật sự đáng nể.
AS SSD là phần mềm chuyên dụng để bench ổ SSD với dữ liệu không nén. Kết quả benchmark của AS SSD luôn “tàn nhẫn” nhất trong các phần mềm thử ổ cứng. Tôi cho rằng phần mềm này đánh giá dựa trên tình trạng xấu nhất của dữ liệu.
 

 

Kết quả AS SSD ghi nhận được gần giống với Crystal DiskMark random: tốc độ đọc-ghi của Kingston HyperX là 518 – 301 MB/s, hơn gần 3 lần con số 200 – 114 MB/s của Corsair Force 3!
 
Phần mềm benchmark ổ cứng: A Disk Benchmark
Trái ngược với AS SSD, A Disk Benchmark là phần mềm dễ dãi nhất đối với SSD. Phần lớn tốc độ đọc-ghi mà các hãng đưa ra cho sản phẩm của mình đều lấy từ phần mềm này.

 

Trong điều kiện test của tôi, A Disk Benchmark ghi nhận tốc độ của HyperX 240GB còn lớn hơn con số mà Kingston đưa ra: tới 559 - 526 MB/s. Trong phép thử này, Corsair Force 3 90GB bám sát được Kingston HyperX 240GB với tốc độ tới 559 – 505 MB/s!
 
Phần mềm benchmark ổ cứng: HD Tune Pro
Trong chế độ Benchmark của HD Tune Pro, tốc độ đọc của Kingston HyperX 240GB chỉ đạt 404 MB/s, hơn không nhiều so với 361 MB/s của Corsair Force 3 90GB. Access time của 2 chiếc ổ này cũng gần gần ngang nhau: 0,041 ms cho HyperX 240GB và 0,049 cho Force 3 90GB – nhanh gấp hơn chục lần bất kì HDD nào. Xin giải thích qua 1 chút, access time là trễ khi truy xuất vào một thư mục hay tập tin nào đó. Đối với các ứng dụng đòi hỏi truy xuất dữ liệu liên tục thì access time ảnh hưởng cực kì nhiều.
 

 

Chuyển sang chế độ File Benchmark. Do sơ suất nên phần này tôi chỉ có kết quả của Kingston HyperX 240GB. Theo chế độ này của HD Tune Pro, tốc độ của chiếc ổ đạt gần 550 – 500 MB/s (đọc-ghi).
 

  
Phần mềm benchmark ổ cứng: HD Tach
  
HD Tach cho kết quả gần gần giống với HD Tune Pro. Ở chế độ Quick bench, tốc độ đọc của HyperX 240GB thu được là 420,6 MB/s còn Corsair Force 3 là 372,6 MB/s.
 

 

Sang chế độ Long bench, HyperX đạt 416,8 MB/s còn Corsair đạt 376,8 MB/s.
 

 

 
Thời gian sao chép dữ liệu và giải nén
 
Tôi tiến thành thử nghiệm bằng cách đo thời gian: sao chép thư mục nặng 1,16 GB chứa 290 tập tin JPEG; sao chép tập tin mkv nặng 1,86 GB; giải nén tập tin iso nặng 7,08 GB. Sau mỗi nội dung thử, tôi đều khởi động lại hệ thống mới tiến hành lần thử tiếp theo.
 

Thực tế ít ai đủ khả năng tài chính để sử dụng SSD lưu trữ dữ liệu. Tuy nhiên phép thử này cũng phần nào nói lên sự vượt trội về tốc độ của HyperX so với Force 3.
 
Thời gian khởi động và tắt máy
  
Hệ điều hành tôi sử dụng là Windows 7 Ultimate. Thời gian khởi động được tính từ lúc bắt đầu boot vào ổ cứng.
 

 
Không giống như phép thử trên, Kingston HyperX không hơn Corsair Force 3 nhiều ở phép thử này. Chênh lệch về thời gian khởi động và tắt máy của 2 chiếc SSD khó có thể nhận ra bằng cảm giác.
 
Thời gian cài đặt ứng dụng

 

Các bộ cài StarCraft II và Office 2010 được lưu trong phân vùng cài hệ điều hành. Kingston HyperX cài StarCraft II nhanh gần gấp đôi, nhưng khi cài Office 2010 thì hơn không nhiều.
 

 
Thực tế sử dụng tập tin Excel nặng 60 MB
 
Đây là tập tin Excel tôi mượn của một người bạn, dùng để thống kê và dự đoán chứng khoán chứa hàng trăm biểu đồ, cực nhiều số liệu và công thức.
 

HyperX khởi động file nhanh hơn Force 3 không đáng kể, và cũng khó có thể nhận thấy khác biệt thông qua cảm giác. Cả 2 chiếc SSD cũng loại bỏ được hoàn toàn trễ nhập dữ liệu. Khi chạy trên HDD, file Excel lớn thế này có thể gây trễ đến 2 giây – rất bực mình và lãng phí nhiều thời gian.
 
Thời gian nạp màn chơi StarCraft II
 
Tôi tiến hành khởi động StarCraft II ngay sau khi hệ điều hành khởi động xong.
 

HyperX nhanh hơn 7 giây, nếu quy ra tương đối thì nhanh hơn Force 3 tới 30%!
 
Kết luận
 
Có thể nói, Kingston HyperX đứng vào hàng các SSD bo mạch đơn nhanh nhất thời điểm hiện tại. Chiếc ổ sở hữu tất cả những thứ mà người dùng nên tìm kiếm ở một chiếc SSD: giao tiếp SATA 3, chip điều khiển SandForce, hỗ trợ TRIM… Duy nhất chip nhớ 25nm với số chu kì ghi/xóa giảm sút là điểm đáng để “lăn tăn” nhất. Nhưng ngay cả thế, trừ khi bạn dám “chịu chơi” tới mức sử dụng SSD để render liên tục, “bóc lột tới chết” chiếc SSD này vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi đối với mọi nhu cầu sử dụng thông thường: soạn thảo, chơi game, chạy ứng dụng hoặc thậm chí cả lưu trữ…
Với giá khá khó chịu: khoảng 2,2 USD cho 1 GB dung lượng, Kingston HyperX vẫn đáng đồng tiền bát gạo so với các SSD tầm trung khác (khoảng 1,7 USD cho 1 GB dung lượng) với tốc độ vượt trội. Nếu cảm thấy hiệu năng hệ thống đã thỏa mãn nhu cầu sử dụng của mình, đến với Kingston HyperX chắc chắn bạn sẽ nghĩ khác.
Sản phẩm hiện chưa có giá bán chính thức tại Việt Nam. Giá tham khảo của công ty "mẹ" Kingston đưa ra là 269 USD (120GB) và 499 USD (240GB) cho bản thường; 299 USB (120GB) và 549 USD (240GB) đối với bản “Upgrade kit”.
xe.nguoiduatin.vn