Việt Nam chế tạo thành công máy bay Su-30 mô hình

30/09/2017 11:19:00

Bước tiến của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam

Như Báo PK-KQ đã đưa tin, vừa qua, tại Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), Hội đồng nghiệm thu của Quân chủng PK-KQ đã tổ chức nghiệm thu sản phẩm Mô hình máy bay Su-30 dạng bơm hơi do Nhà máy Z176 sản xuất.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang – Phó Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ chủ trì Hội nghị. Tham dự buổi nghiệm thu còn có các phòng chức năng của Quân chủng PK-KQ; Phòng Quân huấn, Cục Tác chiến điện tử (Bộ Tổng Tham mưu).

Máy bay Su-30 và sản phẩm máy bay mô hình. Ảnh: Báo PK-KQ

Tại buổi nghiệm thu, đại diện Nhà máy Z176 đã báo cáo quá trình và kết quả thực hiện việc nghiên cứu công nghệ và sản xuất Mô hình máy bay Su-30. Hội đồng nghiệm thu đã thẩm định và công nhận kết quả sản phẩm đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu đề ra. Việc sản xuất thành công mô hình máy bay Su-30 đã mở ra nhiều triển vọng mới

Thứ nhất, tự chủ sản xuất bằng công nghệ trong nước, tiết kiệm được một lượng lớn ngân sách so với phải nhập ngoại. Số lượng xuất xưởng có thể đáp ứng yêu cầu của quân đội tùy từng thời điểm mà không phải chờ đợi một thời gian dài kể từ lúc đặt hàng cho tới lúc tiếp nhận từ đối tác nước ngoài nếu phải đi nhập ngoại.

Ngoài ra, có thể tùy chọn màu ngụy trang phù hợp với màu sơn của máy bay thật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, từng đối tượng tác chiến.

Máy bay Su-30 mô hình do Nhà máy Z176 chế tạo. Ảnh: Báo PK-KQ

Thứ hai, việc sử dụng số lượng lớn mô hình nghi trang phục vụ tác chiến không những giúp lực lượng ta (các đơn vị trang bị máy bay Su-30) phòng tránh tốt, giữ gìn, bảo toàn lực lượng chiến đấu mà còn khiến các hệ thống trinh sát định vị của đối phương bị đánh lạc hướng, bối rối không biết đâu là thật, đâu là giả.

Từ đó, thu hút địch tiêu hao vũ khí, đạn dược vào những mục tiêu giả, đồng thời tạo điều kiện cho vũ khí thật bí mật, bất ngờ hạ gục máy bay của đối phương.

Thực tiễn từ các cuộc xung đột vũ trang gần đây cho thấy, cho dù các phương tiện trinh sát trên không với các khí tài quang ảnh nhiệt tiên tiến có khả năng quét, chụp ảnh với độ phân giải tương đối cao nhưng để phân biệt được khí tài bơm hơi hoàn toàn không dễ, nhất là khi nghệ thuật ngụy trang của đối phương đạt cảnh giới cao.

Bên cạnh đó, một trong những lợi thế của mô hình bơm hơi là có thể triển khai hoặc thu hồi nhanh chóng (có thể chỉ trong vài phút đã xuất hiện hoặc biến mất), rộng khắp nhờ quá trình bơm và tháo khí dễ dàng.

Nếu biết kết hợp giữa mô hình bơm hơi hoặc bằng các vật liệu khác với các yếu tố địa hình, chắc chắn các khí tài trinh sát dù hiện đại đến mấy vẫn có thể bị đánh lừa.

… và hơn thế nữa

Trên cơ sở kết quả nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu đã đề nghị Bộ Quốc phòng cho sản xuất và đưa vào trang bị; đồng thời đề nghị Nhà máy Z176 tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mô hình bơm hơi khác như: Máy bay Su-22, hệ thống tên lửa C125-2TM, hệ thống ra đa cảnh giới… để phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Phòng không-Không quân.

Hy vọng, trong tương lai không xa, với sự nỗ lực không ngừng, Nhà máy Z176 cùng các đơn vị khác thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng sẽ cho ra đời những sản phẩm mô hình bơm hơi “thật hơn”, tinh vi hơn, đáp ứng yêu cầu tác chiến của quân đội ta trong tình hình mới.

Trong đó, đối với Quân chủng PK-KQ thường xuyên phải đối mặt, tác chiến với các loại vũ khí công nghệ cao, nhất là các phương tiện trinh sát hiện đại của đối phương, thì mô hình nghi trang bơm hơi càng trở nên đặc biệt quan trọng.

xe.nguoiduatin.vn