Cụ bà Lý, 78 tuổi ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) cùng chồng kinh doanh một quầy hàng bán gà trong chợ suốt nhiều năm. Sau khi chồng qua đời, bà Lý cảm thấy vô cùng cô đơn. Nhờ một người phụ nữ tên Trần Tiêu sống gần nhà luôn bày tỏ sự quan tâm giúp đỡ, bà Lý bắt đầu sống lạc quan, vui vẻ hơn trước.
Cụ bà nhận Trần Tiêu làm con gái nuôi sau khi biết vợ chồng cô đều công tác tại một doanh nghiệp vận tải đường sắt có tiếng. Năm 2015, Trần Tiêu đến nhà hỏi vay bà Lý 500.000 NDT (1,7 tỷ đồng) với lý do công ty của chồng cần đầu tư cho một dự án đường sắt cao tốc. Dự án này chưa được công bố nên Trần Tiêu chỉ muốn vay từ người thân, hứa sẽ trả với mức lãi suất cao 20.000 NDT/tháng (70 triệu đồng).
Tin tưởng con gái nuôi cùng dự án được giới thiệu "có mức độ rủi ro thấp", bà Lý đồng ý cho Trần Tiêu vay tiền. Những tháng tiếp theo, số tiền lãi được trả đúng hạn vào tài khoản của bà, còn nhiều hơn cả tiền lãi bà Lý thu được từ việc kinh doanh ở chợ. Đến khi Trần Tiêu tiếp tục đến nhà hỏi vay tiền, cụ bà 78 tuổi còn đề xuất đầu tư thêm.
Số tiền bà Lý đưa cho con gái nuôi càng tăng, lợi nhuận bà nhận được càng lớn. Đến năm 2019, cụ bà này đã cho vay và đầu tư cho Trần Tiêu tổng cộng 8 triệu NDT (27 tỷ đồng). Có tháng, bà Lý nhận được 100.000 NDT (350 triệu đồng) mà không cần ra chợ kinh doanh. Nhờ kiếm được khoản lãi lớn, chất lượng cuộc sống của bà Lý được nâng lên, tính cách cũng hào phóng hơn trước.
Sự thay đổi của cụ bà khiến mọi người xung quanh chú ý, nhưng không ai biết bà Lý giàu lên do đâu. Chỉ khi hàng xóm Trương Giang gặng hỏi, cụ bà này mới tiết lộ đang đưa tiền cho Trần Tiêu thực hiện dự án đường sắt, thu lời hàng tháng. Trương Giang cũng đang có khoản tiền nhàn rỗi trong tay nên nhờ bà Lý kết nối để đầu tư chung.
Ban đầu ông Trương chỉ đưa Trần Tiêu 200.000 NDT (700 triệu đồng). Sau khi nhận được khoản lãi từ người phụ nữ này, Trương Giang mới rút toàn bộ tiền tiết kiệm của bản thân, thậm chí có dự định bán nhà để lấy tiền đầu tư cho Trần Tiêu. Thế nhưng khi cả hai gọi điện cho Trần Tiêu để nhận lại tiền gốc và lãi khi đến kỳ hạn, họ phát hiện người phụ nữ này và chồng đã biến mất.
Bà Lý và ông Trương vội vàng đến đồn cảnh sát để báo án. Lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, phát hiện doanh nghiệp của chồng Trần Tiêu không đầu tư vào bất kỳ dự án nào như họ mô tả. Trần Tiêu có một khoản nợ do đánh bạc nên đã lợi dụng lòng tin của người thân quen để kêu gọi "đầu tư" rồi đem tiền đi trả nợ, đánh bạc và mua sắm đồ hiệu xa xỉ.
Trần Tiêu cố tình tiếp cận với những người cao tuổi sống một mình, thiếu thốn tình cảm do không còn bạn đời hay không sống cùng con cháu để làm thân, nhận làm "bố mẹ nuôi". Sau đó cô tìm hiểu về tình hình tài chính từng người để đưa ra khoản vay, hứa hẹn mức lãi suất "hấp dẫn" để gom tiền, lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Kết quả, Trần Tiêu đã lừa được tổng cộng hàng chục "bố mẹ nuôi" số tiền 40 triệu NDT (140 tỷ đồng), trong đó khoản vay từ bà Lý là lớn nhất.
Vụ án đang tiếp tục được cơ quan chức năng Trung Quốc xử lý. Nhiều cư dân mạng bày tỏ vụ việc là hồi chuông cảnh báo cho những người cao tuổi "nhẹ dạ cả tin", tham lam lợi ích nhất thời. Cảnh sát nhắc nhở mọi người cần quan tâm hơn đến đời sống của bố mẹ, đặc biệt là những người cao tuổi đang sống một mình để tránh việc họ trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo.
Bình luận tiêu biểu (0)