Bà Madeline Paldo (Mỹ) mới nghỉ hưu ở tuổi 100 vào năm ngoái, sau khi đã làm việc hơn 80 năm. Gia đình bà Paldo có truyền thống kinh doanh và sản xuất bảng hiệu điện ở Chicago. Người phụ nữ này phụ trách công việc văn phòng, đồng thời phụ giúp việc bán hàng, tiếp xúc vô số khách hàng mỗi ngày. Madeline Paldo rất yêu thích việc mình làm, vậy nên bà không thoải mái khi đến tuổi phải nghỉ hưu.
"Tôi thích được gặp gỡ và trò chuyện với mọi người. Tôi cũng là người duy nhất trong gia đình làm tất cả các công việc từ văn phòng cho đến bán hàng. Vì vậy tôi luôn cảm thấy rất thú vị và thích được đi làm để bận rộn mỗi ngày. Chuyện nghỉ ngơi khi về hưu khiến tôi không thích thú lắm", cụ bà 100 tuổi chia sẻ với CNBC Make It.
Madeline Paldo tiết lộ 2 bí quyết chính giúp bà khoẻ mạnh và trường thọ: các mối quan hệ tích cực xung quanh và lối sống lành mạnh kéo dài suốt hàng chục năm.
Duy trì mối quan hệ tích cực
Theo một nghiên cứu kéo dài 85 năm của Đại học Harvard, những mối quan hệ tích cực sẽ khiến con người hạnh phúc và có thể giúp họ sống lâu hơn. Bà Madeline Paldo đặc biệt chú trọng và quan tâm đến gia đình cùng bạn bè. Cụ bà này vẫn giữ được sự khéo léo trong giao tiếp ở tuổi 100 nhờ việc thường xuyên đi ăn tối cùng các con, cũng như tham dự các sự kiện gia đình.
Sở thích của bà Paldo hiện tại là Chủ nhật hàng tuần được ra ngoài cùng con trai để gặp gỡ bạn bè. "Tôi mong chờ điều đó hàng tuần", cụ bà 100 tuổi cho hay. Madeline Paldo cũng chia sẻ rằng bản thân rất may mắn khi có một vài người bạn cùng tuổi thường xuyên đến nhà bà dùng bữa trưa.
"Họ luôn gọi điện và hẹn tôi. Chúng tôi sẽ thường gặp mặt vào thứ Tư hàng tuần lúc 12 giờ, cùng nhau trò chuyện vui vẻ. Đôi khi tôi tự hỏi, nếu không có bạn bè, không biết tôi sẽ phải làm gì?", bà Madeline Paldo nói thêm.
Tiến sĩ Sofiya Milman, phó giáo sư y khoa và di truyền học tại Viện Nghiên cứu Lão hóa tại Đại học Y khoa Albert Einstein (Mỹ) từng tham gia vào Nghiên cứu Gia đình cho nhóm SuperAgers (là một nhóm hiếm hoi những người trên 80 tuổi có trí nhớ minh mẫn như những người khỏe mạnh trẻ hơn hàng chục năm tuổi), nhằm mục đích khám phá các yếu tố sinh học góp phần kéo dài tuổi thọ.
Theo Tiến sĩ Milman, "Rất nhiều người trên 100 tuổi nói về tầm quan trọng của các mối quan hệ, gia đình, cộng đồng và bạn bè của họ. Gen di truyền cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tuổi thọ". Điều này tương đối đúng với trường hợp của bà Paldo, khi chị gái bà cũng sống đến 103 tuổi còn bố mẹ qua đời ở tuổi 84.
Ưu tiên chế độ ăn chay
Từ nhỏ cho đến lớn, Madeline Paldo duy trì chế độ ăn chủ yếu là thực vật. "Khi còn nhỏ, gia đình tôi có 7 người con, bố tôi đã trồng một khu vườn lớn và vì vậy chúng tôi chủ yếu lớn lên bằng chế độ ăn nhiều rau. Chúng tôi không đủ tiền mua thịt nên rất ít khi được ăn thịt", bà Paldo kể lại về tuổi thơ.
"Tôi nghĩ đó có lẽ là lý do tại sao tôi luôn ăn uống lành mạnh, nó là thói quen ngay từ bé", bà nói thêm. Đồng thời, cho đến hiện tại, bà cũng không hề yêu thích những đồ ăn vặt - loại thực phẩm có hại cho sức khỏe.
Chăm vận động
Bà cũng đặt mục tiêu bản thân sẽ tích cực vận động dù đã bước vào tuổi 100. "Tôi vẫn tự mình làm được nhiều việc như tự mình lên xuống cầu thang. Bản thân tôi luôn cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào và tự hào về vóc dáng ổn ở tuổi 100", bà chia sẻ.
Người phụ nữ này còn luôn giữ được tinh thần lạc quan, ít khi căng thẳng vì cho rằng "mọi thứ đều có thể giải quyết được". "Bên cạnh sức khỏe thể chất, những người sống trên trăm tuổi thường có xu hướng lạc quan hơn", Tiến sĩ Sofiya Milman nhận định.
"Tôi rất may mắn được sống đến 100 tuổi và có sức khỏe tốt như hiện nay. Tôi không thể phàn nàn điều gì về cuộc sống hiện tại của mình khi vẫn còn có thể đi bộ, nói chuyện và chẳng đau nhức ở đâu", cụ bà 100 tuổi nói.
Kim Linh