Ngày 19/12, trang 163 đưa tin, bà Dung (Thượng Hải, Trung Quốc) đã phản ánh trường hợp hy hữu của mẹ mình. Sự việc xảy ra khiến gia đình cô vướng những rắc rối không đáng có.
Căn nhà bị giải tỏa "còn nguyên vẹn"
Cụ thể, vào tháng 11/2024, khi bà Dung đến Trung tâm đăng ký bất động sản quận Hoàng Phố, Thương Hải để làm thủ tục đóng thuế bất động sản, bà dự định thêm tên mẹ mình, người không sở hữu nhà, vào diện người cùng sinh sống để được giảm thuế. Tuy nhiên, khi tra cứu tại trung tâm giao dịch, bà Dung phát hiện mẹ mình lại đang đứng tên một căn hộ. Điều này khiến cả hai mẹ con đều vô cùng ngạc nhiên.
Theo địa chỉ được ghi trên hồ sơ, căn hộ này đã bị giải tỏa từ 10 năm trước. Hiện tại, khu vực này đã thay đổi hoàn toàn. Vậy tại sao thông tin về căn nhà cũ vẫn còn tồn tại trên hệ thống?
Bà Dung cho biết căn hộ này trước đây đứng tên bố mẹ bà nhưng đã bị thu hồi từ lâu. Bà Dung nhớ lại: "Nhân viên nói với tôi rằng mẹ tôi có một căn nhà. Tuy nhiên, căn nhà này đã bị giải tỏa vào năm 2014. Họ hướng dẫn tôi làm thủ tục xóa sổ căn hộ."
Vì vậy, bà Dung đã gọi đến đường dây nóng dịch vụ công dân để khiếu nại. Đại diện cơ quan trả lời rằng, để xin xóa sổ căn hộ, bà Dung cần mang theo chứng minh nhân dân, sổ đỏ và thỏa thuận giải tỏa đến Trung tâm đăng ký bất động sản quận để làm thủ tục.
Điều này khiến bà Dung vô cùng bối rối bởi khi giải tỏa, sổ đỏ và các giấy tờ liên quan đã được giao cho đơn vị thu hồi và họ có trách nhiệm làm thủ tục xóa sổ căn hộ. Bà Dung chia sẻ: "Việc đầu tiên khi giải tỏa là thu hồi sổ đỏ. Tôi không còn bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến căn nhà cũ. Tôi nói với họ rằng người già làm sao giữ được những thứ này sau mười mấy năm, tổ giải tỏa đã lấy đi hết rồi. Họ chỉ bảo tôi tìm tổ giải tỏa, nhưng tôi biết tìm đâu ra bây giờ khi mọi thứ đã bị dỡ bỏ từ lâu. Họ cũng không hướng dẫn tôi phải làm gì tiếp theo."
Vấn để nằm ở đâu?
Phóng viên trang 163 đã tìm đến các cơ quan liên quan để tìm hiểu sự việc. Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ thu hồi nhà ở Phố Đông Thượng Hải cho biết: "Tôi đang cố gắng liên hệ với người phụ trách trước đây. Sau khi có thông tin liên hệ, tốt nhất là anh/chị tự đến gặp trực tiếp. Tôi sẽ nói với anh ta để trả lại sổ đỏ cho anh/chị, sau đó anh/chị có thể tự đến trung tâm giao dịch để làm thủ tục xóa sổ."
Đại diện công ty này giải thích, rất có thể sau khi sổ đỏ được giao cho tổ giải tỏa, người phụ trách đã quên làm thủ tục xóa sổ, dẫn đến việc thông tin căn hộ vẫn còn tồn tại dưới tên cụ bà.
Phóng viên tiếp tục liên hệ với Đại diện công ty cho biết những trường hợp tương tự như của bà Dung không phải là hiếm gặp và họ đã tư vấn cho bà Dung liên hệ với Trung tâm đăng ký bất động sản địa phương.
Theo luật sư Triệu Sơn (Văn phòng Luật sư Đỉnh Lực Thượng Hải), các đơn vị thu hồi có liên quan nên hỗ trợ người dân hoàn thành các thủ tục còn dang dở, nếu không sẽ để lại nhiều vấn đề về sau. Luật sư Triệu Sơn phân tích: "Ví dụ, nếu người dân không biết căn hộ đã bị xóa đăng ký, khi họ mua nhà hoặc làm thủ tục đăng ký, vay vốn, chuyển nhượng nhà đất, họ sẽ bị hạn chế giao dịch. Nếu không kịp thời làm thủ tục đăng ký bất động sản hoặc vay vốn, gây thiệt hại cho bên thứ ba thì những thiệt hại này phải do đơn vị thu hồi có liên quan chịu trách nhiệm."
Sau đó, bà Dung thông báo rằng đã mang theo các giấy tờ còn giữ được đến Trung tâm giao dịch bất động sản quận và đã tìm được hồ sơ lưu trữ liên quan đến căn nhà cũ. Bà cũng đã hoàn tất thủ tục xóa sổ căn hộ.
Minh Anh (Theo 163)