Thay đổi từ những điều nhỏ nhất
Theo khảo sát của British Council, 69% thanh niên Việt Nam cho biết họ mong muốn đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề môi trường. Biểu hiện rõ ràng nhất của việc này chính là sự ra đời của hàng loạt dự án, chương trình và hội nhóm quy mô lớn về việc thu gom rác thải, trồng cây… hướng tới mục tiêu chính là cách bạn trẻ và nhận được sự hưởng ứng vô cùng nhiệt tình.
Và một trong số đó chính là dự án “Cũ Đổi Xanh - Change Life” do Đặng Quốc Huy, sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) thành lập.
“Cũ Đổi Xanh - Change Life” là dự án được thành lập với mục đích giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ - đặc biệt là sinh viên về các vấn đề môi trường nói chung kết hợp với thực tiễn. Đồng thời, cũng là một dự án tái chế, đặc biệt là tái chế dầu ăn thừa đã qua sử dụng, nhằm giảm thiểu lượng dầu ăn thải ra gây ô nhiễm môi trường, từ đó giảm lượng carbon và tạo nên sản phẩm mới có giá trị sử dụng cao.
Với tên gọi “Cũ Đổi Xanh - Change Life”, mục tiêu được đặt ra trên hết là nâng cao nhận thức của giới trẻ về các vấn đề môi trường thông qua các hoạt động trong khuôn khổ dự án. Cũng mong muốn thúc đẩy một thói quen mới cho người tiêu dùng, đó là tạo ra những cái mới từ cái cũ, mang đến một cuộc sống xanh hơn, bảo vệ môi trường.
Dù chỉ hoạt động trong vòng vỏn vẹn hơn 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 10/2024) nhưng “Cũ Đổi Xanh” thực sự đã mang lại một luồng gió mới xanh hơn trong nhịp sống mỗi ngày của các bạn trẻ, góp sức mình vào “đại chiến dịch" mang lại màu xanh cho trái đất mà cả nhân loại đang hướng đến.
Đặc biệt, “Cũ Đổi Xanh” là một trong số ít dự án quan tâm đến việc tái chế dầu ăn thừa đã qua sử dụng nhằm giảm thiểu lượng dầu ăn thải ra gây ô nhiễm môi trường, từ đó giảm lượng carbon và tạo nên sản phẩm mới có giá trị sử dụng cao.
Những lít dầu đã qua sử dụng tưởng chừng chỉ có thể đem đổ bỏ, gây ô nhiễm môi trường lại có thể chế thành những miếng bánh xà bông dùng trong phòng bếp với màu sắc xinh xắn và tiện ích đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
"Chúng tôi đã phối hợp với một số đơn vị để đặt các điểm thu gom dầu ăn đã qua sử dụng như ở Bình Thạnh và Quận 10, các điểm thu lưu động theo từng tháng ở các trường đại học cũng như tại các đơn vị phối hợp", Quốc Huy cho biết. Dầu ăn sau khi được thu gom sẽ được tái chế thành những bánh xà phòng thảo mộc.
Trong thực tế, xử lý dầu mỡ trong sinh hoạt vẫn còn nhiều hạn chế ở Việt Nam bởi sau khi được sử dụng nếu không được tận dụng để sử dụng lại, dầu mỡ thừa sẽ bị thải ra môi trường một cách trực tiếp thông qua hành động của con người. Những thứ dầu mỡ này có thể ngấm xuống lòng đất hoặc nguồn nước, gây ô nhiễm nặng nề và theo các nhà khoa học cho biết, trung bình mỗi lít dầu mỡ có thể gây ô nhiễm một triệu lít nước.
Thay đổi lối sống - Chắp cánh tương lai xanh
Đây vẫn luôn là giá trị cốt lõi mà “Cũ Đổi Xanh - Change Life” theo đuổi. Trong vòng nửa năm, (từ tháng 3 đến tháng 9/2024), dự án đã tổ chức hơn 15 hoạt động và thu hút 5.000 lượt người tham gia, 40.000 lượt tiếp cận.
Trong số 15 hoạt động có 60% là hoạt động giáo dục đã thu hút 3.000 sinh viên và thanh niên tham gia, tiếp cận đến 40.000 lượt thông qua một kênh truyền thông., trên 80% người tham gia được nâng cao nhận thức và trên 90% người tham gia đã cam kết thay đổi.
Thông qua giáo dục với các chủ đề tiêu biểu bao gồm: Dấu chân carbon, Sức khỏe và môi trường, Biến đổi khí hậu, Chuyển dịch năng lượng, Dấu chân sinh thái, Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, Ô nhiễm và rác thải,... sinh viên có thể học hỏi và phát triển các kỹ năng và kiến thức cần thiết để giải quyết các vấn đề môi trường.
Điều này bao gồm việc hiểu về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cách giảm thiểu rác thải, và các phương pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Giáo dục môi trường còn giúp thay đổi hành vi của giới trẻ theo hướng tích cực hơn. Từ đó, các bạn trẻ sẽ học cách tiêu dùng có trách nhiệm, tái chế và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Thanh niên có khả năng tạo ra sự thay đổi lớn trong cộng đồng. Khi được giáo dục về bảo vệ môi trường, họ có thể trở thành những người tiên phong, lan tỏa và thúc đẩy cộng đồng cùng hành động vì một môi trường xanh sạch đẹp.
Cùng với các hoạt động giáo dục, hoạt động thực hành tái sử dụng cũng được Cũ Đổi Xanh tích cực tiến hành.
Thông qua các hoạt động thú vị thu hút sự chú ý của các bạn trẻ như thu gom túi nilon hưởng ứng Ngày Trái Đất, thu dầu ăn thừa để tái chế làm xà phòng nhà bếp hưởng ứng Ngày Môi trường, Tuần lễ “Thu cũ - Đổi quà”... dự án đã thu về 5.000 viên pin cũ, 1.000 chai nhựa, 100 kg dầu ăn thừa, 50 kg túi nilon, 50 kg quần áo cũ.
Các hoạt động này không chỉ khuyến khích tái sử dụng và tái chế ở sinh viên và thanh niên không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn góp phần phát triển toàn diện cá nhân và cộng đồng.
Dự án “Cũ Đổi Xanh - Change Life” mang trong mình tiềm năng lớn để được nhân rộng nhờ vào mục tiêu cao cả và những lợi ích thiết thực mà nó mang lại. Trước hết, đây là dự án tập trung vào việc nâng cao nhận thức và giáo dục giới trẻ, đặc biệt là sinh viên, về các vấn đề môi trường. Việc kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn giúp các bạn không chỉ hiểu rõ hơn về tác động của con người đối với môi trường mà còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào các hoạt động tái chế và bảo vệ môi trường.
Tiềm năng nhân rộng của “Cũ Đổi Xanh - Change Life” còn nằm ở khả năng tạo ra một thói quen mới cho người tiêu dùng. Thay vì vứt bỏ những vật dụng cũ, người dân có thể học cách tái chế và tái sử dụng chúng, từ đó giảm thiểu lượng rác thải và ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, việc giảm lượng carbon thông qua các hoạt động tái chế sẽ góp phần không nhỏ vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Mô hình này có thể được áp dụng rộng rãi ở các trường học, khu dân cư và các tổ chức cộng đồng khác. Sự phổ biến của nó sẽ khuyến khích nhiều người hơn tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo ra một làn sóng tích cực lan tỏa khắp nơi. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ cũng sẽ là yếu tố quan trọng giúp mở rộng quy mô của dự án.
“Cũ Đổi Xanh - Change Life” không chỉ là một dự án tái chế mà còn là một phong trào giáo dục và thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng tới một cuộc sống xanh hơn và bền vững hơn. Với những lợi ích rõ ràng và mục tiêu ý nghĩa, dự án này hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một mô hình tiêu biểu cho các sáng kiến bảo vệ môi trường trong tương lai.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo” tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West, Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
- Ra mắt ấn phẩm “Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam” – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
- Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
- PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
- Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
- Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
- Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, TikTok
Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây
Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Phạm Trang