Hiện nay đối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ đơn thuần là nơi để ở, mà còn phần nào thể hiện chất lượng cuộc sống của các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy thiết kế nhà ở trở nên vô cùng quan trọng và được chú trọng hơn bao giờ hết.
Trong đó có thể kể tới sự sắp xếp, liên kết giữa các phòng trong nhà. Mới đây trên một diễn đàn về nhà ở, một chủ tài khoản tên Nguyễn T.D đã chia sẻ trường hợp của gia đình mình và xin lời khuyên. Cụ thể, đây là trường hợp về một căn hộ chung cư mang thiết kế sẵn của chủ đầu tư, có phần cửa nhà vệ sinh và cửa phòng ngủ đối diện nhau. Gia chủ lo lắng không biết kiểu thiết kế này có gây ảnh hưởng hay bất tiện gì cho cuộc sống hay không.
Bên dưới phần bình luận của bài viết, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về trường hợp của gia chủ trên. Một số người cho rằng, việc thiết kế cửa nhà vệ sinh và cửa phòng ngủ đối diện nhau về cơ bản là không nên bởi nó "phạm vào thế phong thủy xấu", có thể khiến gia đình "tán gia bại sản, sức khỏe suy yếu, gặp các bất lợi trong công việc làm ăn hay đường tài lộc...". Vậy thực hư như thế nào?
Phòng vệ sinh đối diện phòng ngủ có thật sự "phạm phong thủy"?
Trên thực tế, đúng là việc để cửa phòng vệ sinh, đối diện trực tiếp, thẳng với cửa phòng ngủ được các chuyên gia phong thủy xét vào một thế xấu, tốt nhất nên tránh. Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là liên quan đến vấn đề vệ sinh, chất lượng không khí, sự thuận tiện và chính sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Yếu tố phong thủy chỉ liên quan rất nhỏ, và vốn dĩ nó không hề quá nghiêm trọng về vấn đề "phạm phong thủy" như nhiều người nghĩ.
Cụ thể, theo chuyên gia phong thủy Phùng Phương, đến từ Hiệp hội Phong thủy thế giới, đồng thời là chủ tịch của Phong thủy Phùng Gia, việc cửa nhà vệ sinh đối diện với cửa phòng ngủ đầu tiên ảnh hưởng tới vấn đề vệ sinh. Nhà vệ sinh là khu vực ẩm ướt, thường xuất hiện mùi hôi, từ đó là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi, phát triển mạnh mẽ.
Khi được đặt đối diện phòng ngủ, khó có thể tránh khỏi trường hợp các vi khuẩn hay hơi ẩm, mùi hôi từ nhà vệ sinh xâm nhập vào phòng ngủ. Từ đó không gian cũng như không khí bên trong phòng ngủ sẽ bị ảnh hưởng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ hay người lớn tuổi.
Tiếp đến là vấn đề liên quan đến sự thuận tiện, riêng tư của gia chủ. Cả 2 khu vực phòng vệ sinh và phòng ngủ đều là những khu vực cần sự riêng tư. Vì vậy khi đặt cửa của 2 căn phòng này gần nhau, vô tình ảnh khiến các hoạt động sinh hoạt trở nên bất tiện.
Yếu tố cuối cùng mới là phong thủy. Chuyên gia nhấn mạnh, sở dĩ những vấn đề liên quan đến tính riêng tư, vệ sinh hay sức khỏe bên trên khiến gia chủ lo lắng, hoang mang. Bởi vậy nguy cơ ảnh hưởng tới những vấn đề khác trong cuộc sống như các mối quan hệ, bạn bè cũng là rất dễ hiểu. Tốt nhất các gia đình nên hạn chế tối đa việc để cửa phòng ngủ đối trực tiếp với cửa phòng vệ sinh, hay nói cách khác là để 2 loại cửa này thông nhau.
Làm gì khi cửa phòng vệ sinh và phòng ngủ đối diện nhau?
Trên thực tế, có một số trường hợp gia chủ vẫn không thể tránh được trường hợp cửa phòng vệ sinh đối diện với cửa phòng ngủ. Có thể do thiết kế không gian hạn chế, hay như trường hợp của gia chủ Nguyễn T.D, là do thiết kế sẵn có của chủ đầu tư căn hộ chung cư.
Lúc này, lý tưởng nhất, gia chủ có thể xem xét điều kiện của không gian, ngôi nhà cũng như căn hộ, tiến hành lấp 1 trong 2 chiếc cửa, và bố trí ở một khu vực khác phù hợp hơn. Song nếu không thể áp dụng phương pháp này, có thể tham khảo thêm các phương pháp dưới đây.
Đầu tiên, hãy đảm bảo cửa của 2 khu vực luôn được đóng kín, hoặc ít nhất luôn đóng kín cửa phòng vệ sinh ngay cả khi không sử dụng. Các chuyên gia nhắc nhở, việc đóng cửa nhà vệ sinh giúp ngăn chặn phần lớn vi khuẩn thoát ra toàn bộ ngôi nhà.
Người dùng hãy xây dựng thói quen vệ sinh phòng vệ sinh định kỳ hàng tuần, thậm chí hàng ngày, đóng cửa và bật quạt thông gió, hút mùi. Từ đó phòng vệ sinh vừa được sạch sẽ, giữ được sự khô ráo, không có mùi lại không ảnh hưởng tới phòng ngủ nói riêng hay toàn bộ ngôi nhà nói chung.
Trong phòng vệ sinh, gia chủ có thể bày thêm một vài chậu cây có tác dụng thanh lọc không khí, phù hợp trồng trong nhà, môi trường không cần nhiều ánh sáng tự nhiên. Có thể kể tới như cây lưỡi hổ, cây trầu bà, cây lan ý, cây bạc hà, cây dương xỉ hay cây vạn niên thanh... Hay treo, đặt các túi, lọ tỏa hương để phòng vệ sinh có hương thơm nhẹ nhàng, tự nhiên và dễ chịu.
Với những trường hợp nhà vệ sinh không được bố trí cửa, có thể tham khảo lắp đặt thêm các loại rèm che kín, hoặc vách ngăn để đảm bảo tính riêng tư của 2 căn phòng.
Thu Phương