Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 46/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019, quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2024.
Trong đó, đáng chú ý tại Điều 11, thông tư quy định về hình thức giám sát của nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cũng được thay đổi.
Cụ thể, ở Thông tư 46 có quy định nhân dân được giám sát thông qua các hình thức: tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Quá trình giám sát phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ở ngoài khu vực thực thi công vụ, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan. Điều này đồng nghĩa với việc, hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình ở thông tư trước đã được bãi bỏ.
Lý giải cụ thể hơn về việc điều chỉnh này, đại diện Cục CSGT cho biết thời gian qua việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, chưa đúng quy định.
Nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, các trường hợp chống đối còn lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
"Khi những hình ảnh đăng tải được gỡ bỏ và xử lý người vi phạm nhưng vẫn gây ra những ảnh hưởng, tác động xấu đến người xem, ảnh hưởng đến quá trình công tác của cán bộ, chiến sĩ", báo Tuổi Trẻ dẫn lời đại diện Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ sáng ngày 09/10.
Ngoài ra, ở điểm c khoản 1 Điều 5 của thông tư này quy định nội dung công khai của công an nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông gồm: các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, so với quy định trước đây, nội dung công khai "trang phục, số hiệu công an nhân dân" cũng được điều chỉnh loại bỏ.
Sau khi bỏ quy định được ghi âm, ghi hình CSGT, nhiều người thể hiện quan điểm đồng tình nhưng cũng đặt câu hỏi vậy người tham gia giao thông có thể giám sát CSGT bằng cách nào?
Giải đáp thắc mắc này trên báo Dân Việt, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ xử lý vi phạm, Đội 1, CSGT Hà Nội cho biết, nếu người dân thấy cán bộ làm chưa đúng quy định khi thực hiện nhiệm vụ có thể phản ánh, ghi ý kiến ngay vào biên bản vi phạm.
Ngoài ra, ông Quỹ cho biết, lực lượng công an nhân dân đều có đường dây nóng để phản ánh, tiếp nhận thông tin tiêu cực, thông tin chưa đúng về cán bộ thực thi công vụ. Đó có thể là những phản ánh liên quan cán bộ công an khi làm nhiệm vụ, rồi các vụ việc đối tượng mạo danh, giả mạo công an, giao thông để lừa người dân. Khi tiếp nhận các thông tin, lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ sẽ xử lý theo quy định.
Trang Anh