Nuôi dạy con cái là một hành trình đầy chông gai mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng phải đối mặt. Ai cũng mong muốn con mình không chỉ khỏe mạnh về thể chất mà còn giàu có về tinh thần, trí tuệ. Tuy nhiên, con đường nuôi dạy con cái không hề bằng phẳng và thường đi kèm với những thử thách không ngờ.
Mới đây, trong một group của phụ huynh Hà Nội, một người mẹ đã tâm sự về câu chuyện của con mình. Theo đó, vị phụ huynh này tự nhận cậu con trai đang học lớp 10 của mình có học lực khá kém, rất hay chơi bời, nghịch ngợm dù cho mẹ đã nhiều lần khuyên bảo và răn đe. Sau một lần trao đổi với cô giáo, nữ phụ huynh càng sốc hơn về những việc làm của con trai ở trường.
Cụ thể, cậu bé khi đi học không chỉ hay hút thuốc, đánh nhau mà còn có những việc làm không đúng chuẩn mực như hôn bạn gái ngay trong lớp học thêm,... Mặc dù các bạn trong lớp đã nhiều lần thấy và nhắc nhở nhưng nam sinh vẫn không thay đổi, thậm chí còn đe dọa ngược lại. Điều này khiến người mẹ vô cùng đau đầu.
"Cuộc gọi của cô giáo thực sự như một nhát dao đâm vào tim mình. Là một người mẹ nuôi dạy con từ nhỏ, khi nghe cô giáo trình bày như vậy, mình không còn mặt mũi nào vì quá xấu hổ khi không biết nuôi dạy con đàng hoàng", nữ phụ huynh bất lực chia sẻ.
Netizen để lại nhiều bình luận đồng cảm dưới bài viết. Các phụ huynh gợi ý những phương pháp dạy con cũng như lời khuyên cho người mẹ:
- Các bạn đang tuổi thích thể hiện mình, mong mẹ kiên nhẫn với con. Tìm hiểu chút về bạn gái của con, cắt giảm tiền tiêu vặt và giám sát thời gian ngoài lớp học của con nhiều hơn. Hình như bạn ấy được thả lỏng một thời gian rồi.
- Chia sẻ và cảm thông với bạn. Thật sự là quá sốc, nên mới nói nhiều phụ huynh bênh con chằm chằm còn khẳng định con tôi ở nhà ngoan lắm. Khi vỡ lẽ thì đã quá muộn màng rồi. Đây là nói chung.
- Đến tuổi này khó bảo lắm phụ huynh cũng phải thật cứng rắn không là hỏng con.
- Tốt nhất bạn không nên cho đi học thêm ở ngoài nữa, đi thì học không học, chỉ chơi thôi. Em nói thật, có điều kiện thuê gia sư về dạy, gom 3, 4 bạn học chung đỡ tiền gia sư. Chăm gắn kết hỏi han con, tâm sự như người bạn. Đưa con đi cafe, ăn uống quà vặt rồi chơi với con, xem con muốn gì, tìm hiểu bạn gái con, chứ tuổi này càng cấm càng làm.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít những ý kiến cho rằng người mẹ phản ứng hơi quá và phân tích những điều chưa đúng trong cách dạy con của gia đình:
- Phần chính là do cách dạy bảo và quan tâm của bậc làm cha làm mẹ chứ không thể trách các con được bạn à.
- Mình thấy bạn hơi cực đoan quá, không gì phải xấu hổ cả, con tầm này nổi loạn thì mình tìm cách định hướng cho con thôi. Mẹ bình tĩnh ngồi phân tích rồi lên kế hoạch dạy con từng việc một.
- Mình nghĩ việc này có lâu rồi, tính cách con như nào bố mẹ là người rõ nhất. Là do bố mẹ chưa sát sao con thôi. Giờ phải cứng thôi.
Các bậc cha mẹ đều mong muốn con cái mình lớn lên ngoan ngoãn, nghe lời và chăm chỉ học hành. Thế nhưng, khi bước vào giai đoạn trưởng thành, các em thường bộc lộ những cá tính riêng biệt, đôi khi đi kèm với những hành động có phần nổi loạn. Cha mẹ lúc này cần phải có phương pháp giáo dục phù hợp để giúp cho trẻ có nhận thức đúng đắn về những suy nghĩ và hành động của chính mình.
Cha mẹ cần làm gì khi con nổi loạn, không nghe lời ở tuổi dậy thì?
Tuổi dậy thì là giai đoạn con cái muốn khẳng định bản thân. Vì thế, các bạn thường có những hành động nổi loạn, thậm chí vượt tầm kiểm soát của bố mẹ. Trong những trường hợp này, thay vì lo lắng, phụ huynh nên kiên nhẫn lắng nghe để hiểu và định hướng con đúng đắn.
Đầu tiên, xây dựng mối quan hệ tin cậy là chìa khóa để giúp con vượt qua giai đoạn dậy thì đầy biến động. Để làm được điều này, cha mẹ cần tạo ra một không gian mở, nơi con cảm thấy thoải mái chia sẻ mọi suy nghĩ và cảm xúc. Thay vì vội vàng đưa ra nhận xét, hãy lắng nghe con một cách chân thành và tôn trọng. Khi con cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu, chúng sẽ tự tin hơn trong việc bày tỏ quan điểm của mình. Việc tôn trọng ý kiến của con, dù có khác biệt, cũng góp phần xây dựng lòng tin và sự gắn kết trong gia đình.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần đặt ra cho con những giới hạn rõ ràng để con hiểu và định hình hành vi của bản thân. Thay vì đơn thuần đưa ra lệnh, cha mẹ nên cùng con thảo luận và giải thích lý do đằng sau mỗi quy tắc. Điều này giúp con cảm thấy được tôn trọng và hiểu rằng các quy tắc không phải là sự hạn chế mà là sự bảo vệ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần linh hoạt để điều chỉnh các quy tắc khi cần thiết, đặc biệt khi con lớn lên và hoàn cảnh thay đổi. Quan trọng nhất là sự nhất quán trong việc thực hiện các quy tắc để con hiểu rằng chúng là những nguyên tắc không thể thương lượng.
Đồng thời, cha mẹ cũng phải đóng vai trò như những tấm gương sáng cho con noi theo. Con cái thường học hỏi thông qua việc quan sát hành vi của người lớn trong gia đình. Vì vậy, việc cha mẹ thể hiện sự kiên định, tích cực và luôn sẵn sàng đối thoại sẽ giúp con học được cách giải quyết mâu thuẫn một cách lành mạnh. Thay vì phản ứng lại bằng sự nổi loạn, con sẽ cảm thấy an toàn và thoải mái khi chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình với cha mẹ.
Và cuối cùng, trong trường hợp các phương pháp trên không mang lại hiệu quả như mong đợi hoặc tình hình trở nên phức tạp hơn, cha mẹ nên cân nhắc việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Tư vấn tâm lý sẽ giúp trẻ được đánh giá và hỗ trợ một cách chuyên nghiệp, từ đó tìm ra những giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, việc tham gia các nhóm hỗ trợ dành cho phụ huynh cũng là một cách hiệu quả để cha mẹ chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi từ những người đang đối mặt với tình huống tương tự. Qua đó, cha mẹ sẽ cảm thấy được đồng cảm và có thêm động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tuổi dậy thì là giai đoạn mà con cái cần sự thấu hiểu và đồng hành của cha mẹ hơn bao giờ hết. Với sự hỗ trợ đúng đắn, cha mẹ không chỉ giúp con vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này mà còn góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai của con.
Tổng hợp
Trang Vũ