CUỘC "NGÃ GIÁ" CÔNG PHƯỢNG
"Tôi nghĩ là Công Phượng cứ cố gắng hết sức, dần dần sẽ trở lại. Nhưng để đạt được đỉnh cao không thì tôi nghĩ là không đâu. Giai đoạn đỉnh cao của cậu ấy và nhiều cầu thủ cùng thế hệ qua rồi. Công Phượng vẫn sẽ chơi tốt được ở V.League, còn để trở lại đỉnh cao thì khó lắm", BLV Quang Huy thẳng thắn bày tỏ trước thông tin Công Phượng có thể về Việt Nam thi đấu ở giải hạng Nhất
Không khó để nhận ra sự hoài nghi của dư luận khi Công Phượng đã trải qua 2 mùa giải gần như chỉ ngồi dự bị ở Yokohama FC. 2 năm, 3 lần ra sân, vỏn vẹn hơn 80 phút thi đấu, những con số rõ ràng không biết nói dối.
Cũng bởi vậy mà khi Yokohama chia tay Công Phượng bằng việc cảm ơn “những ly cà phê thơm ngon mà anh đã pha trong phòng thay đồ”, người hâm mộ Việt Nam càng thêm phần chua chát khi nhắc đến câu chuyện này.
Thế nhưng trong bối cảnh ấy, vẫn có thông tin cho biết Công Phượng mong muốn nhận lót tay 8 tỷ đồng/năm, ký hợp đồng 3 năm với một CLB hạng Nhất. Con số này cao chẳng kém những ngôi sao hàng đầu tại V.League như Quang Hải, Hoàng Đức…
Và rồi tiếp đó, lại xuất hiện luồng tin rằng đội bóng kia muốn giảm tiền, không quyết tâm chiêu mộ Công Phượng bằng mọi giá.
“Tôi cho rằng con số 8 tỷ đồng/năm với Công Phượng là cao. Thực tế, bạn ý sẽ phù hợp hơn nếu nhận mức 5 tỷ đồng/năm, như Việt Anh, Văn Lâm, Quế Ngọc Hải hay Văn Toàn đang được hưởng”, một nhà môi giới bóng đá bày tỏ quan điểm.
KHI CÔNG PHƯỢNG VẪN LÀ “HÀNG HIẾM”
Hãy nhìn vào những cái tên mà nhà môi giới kia nhắc đến. Đó đều là những cầu thủ ngôi sao của V.League, liên tục thi đấu trong thời gian qua, là trụ cột của CLB mình khoác áo, vậy nhưng con số cũng chỉ bằng Công Phượng, một cầu thủ đã rất lâu rồi không còn thể hiện được phong độ đỉnh cao.
Tất nhiên, Công Phượng vẫn mang giá trị của riêng mình. Cứ nhìn cách dư luận xôn xao, liên tục bàn tán về bến đỗ của cầu thủ này là đủ để hiểu sức hút của Công Phượng lớn tới đâu. Đội bóng hạng Nhất kia đưa Công Phượng về chắc chắn không chỉ bởi lý do chuyên môn, mà đi cùng với đó còn là giá trị hình ảnh rất lớn mà ngôi sao 29 tuổi đem lại.
Về góc độ kinh tế, định giá của một món hàng được quyết định dựa trên chất lượng và độ khan hiếm của nó trên thị trường. Dù là 5 tỷ, 8 tỷ hay một con số nào khác, Công Phượng cũng có cái lý của mình. Rõ ràng, cầu thủ này hiểu giá trị của mình nằm ở đâu.
Còn với bóng đá Việt Nam, vụ việc của Công Phượng như một minh chứng cho cú trượt dài trong thời gian qua. Đội tuyển Việt Nam tụt liền 24 bậc, từ hạng 93 xuống 117 FIFA trong 1 năm qua, giấc mơ World Cup 2026 tan vỡ, HLV Troussier phải rời đi, còn người mới Kim Sang-sik cũng chật vật trong thời gian qua với thành tích thua 3/4 trận.
Trong bức tranh của thất bại đó, câu chuyện thế hệ kế cận liên tục được nhắc đến. Ông Troussier thất bại với chiến dịch cải cách triệt để, dùng rất nhiều cầu thủ trẻ và rồi thất bại; còn ông Kim Sang-sik cũng đang loay hoay cùng những mảnh ghép mới, nơi đội tuyển Việt Nam có xuất hiện một vài nhân tố trẻ được trao cơ hội nhưng cũng chưa thể hiện được nhiều.
Công Phượng đã qua đỉnh cao vài năm, nhưng rồi khi một đội bóng cần một bản hợp đồng đáp ứng được cả về chuyên môn (dù còn là dấu hỏi) lẫn giá trị thương hiệu, anh vẫn là cái tên được nhắc đến. Sự khan hiếm của thị trường đẩy mức giá Công Phượng lên cao, bởi nhìn đi nhìn lại, nếu không phải Công Phượng thì sẽ có thể là ai?
Yokohama FC giờ không còn những ly cà phê thơm ngon do Công Phượng pha, còn bóng đá Việt Nam liệu đến bao giờ mới có thêm những “Công Phượng mới”?
Hỏi mà cũng thật khó để trả lời!
Linh Đan