Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có khả năng sẽ quay lại vấn đề thuế quan trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, cũng như xem xét cắt giảm thuế trong nước và áp các lệnh trừng phạt mới khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025, cựu Bộ trưởng Tài chính của ông Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 7/11.
Steven Mnuchin - người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump từ năm 2017 đến năm 2021 - nói rằng ông nhận thấy những vấn đề kể trên là rất quan trọng đối với chương trình nghị sự của Đảng Cộng hòa.
Cắt giảm thuế là "một phần đặc trưng trong chương trình nghị sự của ông ấy [Trump]", Mnuchin nói với đài CNBC. "Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ dễ dàng được thông qua tại Quốc hội, đặc biệt là nếu Đảng Cộng hòa cũng kiểm soát Hạ viện."
Ngoài ra, theo ông Mnuchin, trong chương trình nghị sự sẽ là vấn đề thuế quan với hàng hóa nhập khẩu, mà ông Trump từng áp dụng đối với nhiều đối tượng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình và cam kết sẽ thực hiện lại.
"Tôi nghĩ rằng thuế quan cần phải được sử dụng để đưa các đối tác trở lại bàn đàm phán, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia không thực hiện tất cả các thỏa thuận mà họ đã đưa ra trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1", Mnuchin nói.
Ông Mnuchin đang đề cập đến một thỏa thuận thương mại được ký kết vào tháng 1/2020 giữa Washington và Bắc Kinh nhằm mở ra một sự khởi đầu mới trong giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài gần 2 năm tính đến thời điểm đó. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc cam kết tăng cường mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ trị giá ít nhất 200 tỷ USD trong năm 2020 và 2021. Nhưng mục tiêu đó đã không đạt được trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát.
Ông Mnuchin cho biết thêm trong cuộc phỏng vấn hôm 7/11 rằng ông sẽ khuyến nghị Tổng thống đắc cử Trump sử dụng công cụ thuế quan theo "cách chiến lược" để đảm bảo không có lạm phát lan rộng.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ lưu ý rằng, trong thời gian ông làm việc trong chính quyền của ông Trump, thuế quan cũng đi kèm với các miễn trừ đối với một số sản phẩm mà các doanh nghiệp Mỹ cần.
Ngoài ra, ông Mnuchin còn cho biết giá năng lượng cần phải được hạ xuống để kiểm soát chi phí tiêu dùng. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 21% và sau đó đã đề xuất hạ thêm xuống 15%.
"Nếu thuế doanh nghiệp được hạ xuống, thì phải hạ theo cách hỗ trợ sản xuất và việc làm của Mỹ thay vì trên diện rộng", Mnuchin nói.
Cuối cùng, ông Mnuchin nói với CNBC rằng, các quốc gia như Iran và Nga có thể sẽ chứng kiến lệnh trừng phạt gia tăng. Vào năm 2019, chính quyền của ông Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các nhà sản xuất dầu mỏ ở Iran vì họ thuộc sở hữu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
"Các lệnh trừng phạt đối với Iran và Nga có tác động rất lớn. Trong trường hợp của Iran, hiện họ đang bán hàng triệu thùng dầu, điều này cần phải dừng lại", Mnuchin nói.
Ngoài những vấn đề trên, ông Mnuchin tiết lộ bản thân có thể sẽ không đảm nhận vai trò chính thức trong chính quyền tương lai của Trump nhưng sẽ "rất vui khi được phục vụ từ bên ngoài", đồng thời mong đợi ông Trump sẽ giải quyết các vấn đề khác như thâm hụt ngân sách.
"Tôi nghĩ rằng ông ấy hiện đang ở vị trí sẵn sàng, đặc biệt là với kết quả [bầu cử] áp đảo này, để giải quyết các vấn đề khó khăn và tôi nghĩ rằng việc đó phải bao gồm chi tiêu của chính phủ", Mnuchin nói.
Theo CNBC, ông Donald Trump từng xác nhận trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2/2024 rằng ông đang cân nhắc kế hoạch áp thuế 60% trở lên đối với hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.
“Chúng ta phải làm điều đó”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Tương lai Sáng Chủ nhật” của kênh truyền hình Fox (Mỹ).
Trước đó, tờ Washington Post cũng đưa tin rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump đang cân nhắc kế hoạch áp thuế quan lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Và trong cuộc phỏng vấn với Fox, ông Trump còn cho biết mức thuế quan “Có thể sẽ cao hơn thế nữa”.
Ngoài Trung Quốc, theo CNBC, ông Trump cũng từng tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế suất toàn phần 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, bất chấp những chỉ trích rộng rãi rằng động thái này có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng nước này.
Hữu Hiển