Từ trang nhật ký đến “nhà sưu tầm”
Cựu chiến binh Trần Đức Hồi hiện đang sinh sống tại Tp.Yên Bái (tỉnh Yên Bái). Dù đã ở tuổi 82, sức khoẻ đã giảm nhiều nhưng ông vẫn giữ niềm đam mê ghi chép những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông đã dành gần 60 năm sưu tầm sách báo, tranh ảnh cùng rất nhiều tài liệu về Bác, đặc biệt có hàng nghìn trang giấy về những câu chuyện của Bác đã được ông tự tay ghi chép lại một cách cẩn thận. Công việc đó cứ diễn ra thầm lặng, ngày qua ngày.
Ông Hồi kể, khi còn nhỏ đã được nghe những câu chuyện về Bác, chính điều này đã thôi thúc ông ước mơ trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ. Năm 1959, khi tròn 17 tuổi, ông chính thức viết đơn xin nhập ngũ và được cử vào Lữ đoàn Pháo binh 378.
Trong quá trình tham gia quân ngũ, ông Hồi lại được nghe nhiều hơn những câu chuyện về Bác, để không bị quên và có thể kể lại cho nhiều người, ông đã ghi chép cẩn thận vào những cuốn nhật ký. Những mẩu chuyện về Bác Hồ cứ dày lên theo năm tháng. Với cuốn nhật ký luôn mang bên mình, lúc nào ông Hồi cũng cảm thấy như “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.
“Lúc đó mọi người dân Việt Nam, ai cũng mong được gặp Bác Hồ. Tôi cũng vậy, nhưng may mắn hơn nhiều người là ước mơ của tôi đã thành hiện thực”, ông Hồi xúc động kể.
Đó là ngày 1/6/1960, ông Hồi là một trong những cá nhân tiêu biểu của thế hệ trẻ Lữ đoàn Pháo binh 378 được cử về Thủ đô nghe Bác nói chuyện.
“Tôi nhớ như in, khi nhiều người còn chưa thấy Bác thì đã nghe những tiếng hô lớn “Bác Hồ đến rồi, Bác Hồ đến rồi”. Tất cả chúng tôi chạy ào ra đứng ngắm Bác. Cuộc gặp năm ấy trở thành kỷ niệm mà cuộc đời tôi không bao giờ quên”, cựu chiến binh nói với giọng đầy tự hào.
Sau lần gặp đó, người lính trẻ trở về đơn vị và càng quyết tâm học tập, chiến đấu. Đến năm 1969 khi nghe tin Bác Hồ mất, cả đơn vị hụt hẫng vô cùng, những giọt nước mắt mỗi người cứ như bảo nhau tuôn trào. Kể từ đó, ước muốn sưu tầm tài liệu về Bác Hồ càng khắc sâu trong tâm trí của anh bộ đội.
Đến năm 1983, ông Hồi nghỉ hưu và chuyển về sinh sống cùng vợ và các con tại Tp.Yên Bái. Lúc này, ông đã dành rất nhiều thời gian và chuyên tâm hơn vào công việc sưu tầm.
“Đến giờ tôi vẫn thường xuyên đọc và suy ngẫm những tài liệu về Bác. Rất nhiều câu chuyện cảm động mà khi đọc tôi không biết mình đã rơi nước mắt từ khi nào. Xúc động nhất là thời kỳ gian khó khi Bác ở Chiến khu Việt Bắc. Công ơn Bác lớn lắm, có Bác chúng ta mới có được cuộc sống tươi đẹp hôm nay...”, ông Hồi nghẹn ngào.
“Công trình 2 thế kỷ”
Thấm thoát gần 60 năm, bằng tấm lòng biết ơn sâu sắc với “Người Cha già dân tộc”, ông Hồi đã không quản ngại ngày đêm ghi chép, lặn lội sưu tầm những bức ảnh hay sự kiện lịch sử gắn với Bác Hồ.
Suốt bao năm qua, cứ mỗi khi có sự kiện lịch sử, thông qua báo chí, tài liệu, tranh ảnh về Bác là ông lại tìm cho bằng được. Thậm chí, nhiều người biết đam mê của ông nên lặn lội mang đến tặng tận tay. Nhận được những tư liệu quý đó ông nâng niu và trân trọng cất giữ cẩn thận.
“Mấy năm trước, mỗi khi ngồi ghi chép là tôi quên hết thời gian, có hôm viết đến sáng mà chưa thấy mỏi. Những tài liệu tôi chép tay với mong muốn có thể giúp phần nào giáo dục con cháu về lịch sử nước nhà”, ông Hồi tâm sự và cho biết, hiện tuổi đã cao nên ông không còn ngồi lâu hoặc lặn lội đi sưu tầm được nữa.
Tất cả những tư liệu, bài báo về tư tưởng của Bác trên mọi lĩnh vực như: văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị, ngoại giao... đều được ông Hồi gìn giữ cẩn thận. Đến nay, “kho tàng” tư liệu về Bác được ông dày công gây dựng đã có tới trên 4.000 cuốn sổ chép tay cùng hàng trăm bức ảnh, hàng nghìn cuốn sách, báo các loại.
Trong số tài liệu đó phải kể đến hơn 400 bức ảnh của Bác qua các thời kỳ hoạt động Cách mạng. Đặc biệt, có hơn 20 bức ảnh do cố nhà báo Đinh Đăng Định (người chuyên chụp ảnh về Bác Hồ) chụp từ năm 1949 là những bức hình rất quý.
Ông Hồi gọi những tài liệu sưu tầm về Bác là “công trình 2 thế kỷ”. Chính vì thế, khi tuổi đã cao, ông mong muốn có thể gửi “kho di sản” đó cho bảo tàng hoặc đặc biệt là có thể gửi tặng Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.
“Hiện nay có nhiều bạn trẻ quên lãng lịch sử, công việc này qua bao năm đã giúp tôi ôn lại, để từ đó giáo dục con cháu phải ghi nhớ công lao của các thế hệ cha anh, những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Bác Hồ đã dạy “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Tôi luôn hy vọng thế hệ trẻ sẽ quan tâm hơn đến lịch sử và không bao giờ lãng quên nó”, người cựu chiến binh bày tỏ.
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Số đặc biệt (gộp 3 số 211+212+213)
Bình luận tiêu biểu (0)