Bí ẩn 3 thùng xốp đựng tiền hối lộ hơn 5 triệu đô
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) vừa hoàn tất Kết luận điều tra, truy tố 86 bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Trong số này, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước Đỗ Thị Nhàn bị truy tố tội Nhận hối lộ với số tiền lên tới 5,2 triệu USD (tương đương 118 tỷ đồng).
Báo VOV dẫn kết luận điều tra cho thấy, hành vi của bà Nhàn xảy ra trong quá trình thanh tra tại Ngân hàng SCB năm 2017 - 2018 của Đoàn thanh tra do Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng chủ trì và ban hành kết luận, liên quan đến nội dung, kết quả thanh tra.
Quá trình thanh tra, vì động cơ vụ lợi mà bà Nhàn đã nhiều lần nhận tiền từ SCB và bà Trương Mỹ Lan để che giấu, bưng bít, chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc tổng hợp, dự thảo Kết luận thanh tra và báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, mục đích tạo điều kiện cho ngân hàng SCB tiếp tục được thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Bà Trương Mỹ Lan lúc chưa bị bắt. Ảnh: Vạn Thịnh Phát
Về việc nhận tiền từ SCB, cựu cục trưởng khai, trong thời gian thanh tra tại Ngân hàng SCB, bà Nhàn đã nhiều lần nhận tiền từ SCB thông qua Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc và Nguyễn Nam Tuấn (lái xe của Võ Tấn Hoàng Văn), tổng số tiền đã nhận là 5,2 triệu USD.
Cụ thể, giữa cuối tháng 3/2018, Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn ra Hà Nội và lên phòng làm việc của bà Nhàn, tại trụ sở Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng (số 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đưa cho bà Nhàn là một túi quả cherry và một túi đựng 200.000 USD.
Từ tháng 10/2018 đến tháng 12/2018 là giai đoạn dự thảo Kết luận thanh tra, xin ý kiến các Bộ ngành liên quan và sau đó ban hành Kết luận thanh tra tại Ngân hàng SCB, Võ Tấn Hoàng Văn và Nguyễn Nam Tuấn đã mang các thùng xốp đựng tiền USD (có 1 lần nhận thùng xốp đựng 1 triệu USD và 2 lần nhận thùng xốp đựng 2 triệu USD) đến nhà bà Nhàn tại khu đô thị Mandarin, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
"Khi nhận, Nhàn hỏi Võ Tấn Hoàng Văn là tiền gì, Văn nói là tiền của bà Trương Mỹ Lan cảm ơn vì bà Nhàn đã giúp và hỗ trợ cho SCB trong quá trình thanh tra"- kết luận điều tra nêu.
Gửi tiền hối lộ ở nhà người thân
Sau khi nhận thùng xốp triệu đô, bà Nhàn lấy tiền ra cho vào thùng khác, cất giấu tại nhà ở khu Madarin, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Sau đó, bị can Nhàn lại lấy tiền ra chia thành nhiều phần, đem cho họ hàng ở quê Nam Định cất giấu và một phần đưa cho em trai cùng cha khác mẹ, cùng sống ở khu Madarin để cất giấu.
Cụ thể, theo thông tin đăng tải trên báo PL TPHCM, ngày 7/10/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan.
Sau khi vụ án được khởi tố, đến khoảng tháng 12/2022, bà Nhàn đã chia số tiền này thành 2 phần và mang 2,6 triệu USD gửi nhờ tại nhà họ hàng ở TP Nam Định. Số tiền còn lại bà Nhàn cho vào thùng sắt, khóa lại, mang sang nhà em trai cùng cha khác mẹ cất vào trong tủ của phòng ngủ. Bà Nhàn khóa tủ và cầm chìa khóa.
Bà Nhàn khẳng định những người nhận tiền của Nhàn nhờ gửi hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc số tiền do họ không hỏi và Nhàn tuyệt đối không nói gì.
Người em trai xác nhận có việc bà Nhàn gửi nhờ cất thùng sắt trong tủ tại nhà riêng và đã tự nguyện giao nộp thùng sắt đựng tiền, số tiền thu được là 3 triệu USD.
Người họ hàng ở Nam Định khai nhận bà Nhàn đã hai lần mang tiền đến gửi, một lần 1,4 triệu USD và một lần 1,2 triệu USD. Người này hoàn toàn không biết về nguồn gốc số tiền.
Người họ hàng có vay bà Nhàn 1,4 triệu USD để mua đất và mở 10 sổ tiết kiệm. Vợ chồng họ đã tự nguyện giao nộp toàn bộ số tiền 1,2 triệu USD bà Nhàn gửi, 10 sổ tiết kiệm và 1 sổ đỏ; sau đó đã nộp thêm 600.000 USD vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả cho bà Đỗ Thị Nhàn.
Bà Nhàn cũng khai có nhiều lần liên lạc với Võ Tấn Hoàng Văn để trả lại tiền nhưng Văn không đến nhận.
Từ vụ cựu cục trưởng nhận hối lộ 5,2 triệu USD: Nộp lại tiền sẽ được giảm án?
Theo Điều 354 BLHS 2015 sửa đổi về Tội nhận hối lộ quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản - luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích trên báo An ninh thủ đô.
Việc nộp lại số tiền nhận hối lộ được xem là tình tiết giảm nhẹ tội. Trường hợp bị kết án tử hình về tội hối lộ nhưng chủ động nộp lại số tiền đó có thể được giảm án.
Cụ thể, theo Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ được quy định như sau:
Trong quá trình tố tụng, người phạm tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử - luật sư Lê Hồng Vân phân tích thêm.
Bình luận tiêu biểu (0)