Anh L.V.V (45 tuổi tại Vĩnh Phúc) khoảng 3 tháng gần đây đi tiểu khó khăn. Lúc đầu anh V nghĩ mình bị viêm đường tiết niệu do có hiện tượng tiểu rắt và buốt nên anh có uống nước lá má đề, râu ngô. Tuy nhiên, sau khi uống nước lá không khỏi, các triệu chứng khó chịu vẫn còn, anh V đã tự mua thuốc kháng sinh về uống.
Sau khi uống thuốc kháng sinh, các triệu giảm bớt nhưng hết thuốc thì các triệu chứng lại quay trở lại. Anh V tới trung tâm y tế gần nhà khám và uống thuốc kháng sinh nhiều đợt nhưng tình trạng bệnh vẫn không khỏi.
Khi anh V tiểu ra nước màu đỏ, anh thấy sợ nên mới xuống Hà Nội khám. Kết quả anh V được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư bàng quang.
Theo thống kê của các tổ chức ung thư thế giới thì ung thư bàng quang đứng thứ 10 trong tất cả các loại ung thư. Tại Việt Nam, ung thư bàng quang có tỷ lệ thấp hơn, đứng thứ 20, tuy nhiên theo thống kê hàng năm vẫn có khoảng 2.000 trường hợp mắc mới.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.
BSCKII Lê Học Đăng, Khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, ung thư bàng quang là các khối ác tính nằm trong bàng quang, đứng hàng thứ tư trong các ung thư đường tiết niệu. Đa số ung thư bàng quang được phát hiện ở giai đoạn tại chỗ, khoảng 60%; có khoảng 6% ung thư được phát hiện khi đã ở giai đoạn di căn.
Nguyên nhân gây ra ung thư bàng quang được cho là có liên quan tới các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất như aniline…
Ngoài ra, một số hóa chất công nghiệp chẳng hạn như: amin, benzidin và beta-naphthylamine, đôi khi được sử dụng trong các ngành công nghiệp nhuộm cũng có thể gây ra ung thư bàng quang.
Theo các chuyên gia ung bướu, ung thư bàng quang còn thường gặp ở nam giới trong độ tuổi trung niên và người cao tuổi, thường là sau 40 tuổi. Tỷ lệ mắc ung thư bàng quang ở nam cao gấp 3 lần ở nữ.
Ung thư bàng quang cũng có liên quan tới yếu tố gia đình. Những người có thành viên trong gia đình mắc ung thư bàng quang có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Người mắc viêm bàng quang mạn tính, nhiễm trùng tiết niệu, sử dụng ống thông đường tiểu lâu dài… cũng có nguy cơ cao mắc ung thư bàng quang.
Ung thư bàng quang được chia làm nhiều giai đoạn, mỗi một giai đoạn lại có những cách điều trị khác nhau tuỳ theo thể trạng cơ thể của bệnh nhân.
Đối với ung thư bàng quang nông, đây là giai đoạn sớm, bệnh nhân sẽ được cắt u nội soi kết hợp với bơm hóa chất. Sau mổ cắt u nội soi từ 10 đến 15 ngày, người bệnh sẽ được bơm hóa chất vào bàng quang nhằm tránh bệnh tái phát. Bệnh nhân cần phải theo dõi tái phát bắt buộc. Việc theo dõi sẽ dựa vào siêu âm, soi bàng quang, tìm tế bào ung thư trong nước tiểu.
Đối với ung bàng quang ở giai đoạn T2, T3, tuỳ thuộc vào tổn thương của khối u mà bệnh nhân sẽ được cắt bàng quang bán phần hay toàn bộ.
Nếu bệnh ở giai đoạn 4, bệnh nhân sẽ phải kết hợp xạ trị và cắt bàng quang toàn bộ, đưa 2 niệu quản ra da.
Dấu hiệu nhận biết ung thư bàng quang
Theo bác sĩ Đăng, ung thư bàng quang thường gây ra các triệu chứng như:
- Đái máu: Đây là triệu chứng thường gặp nhất. Đa phần sẽ là tình trạng đái máu toàn bãi, một số bệnh nhân có thể đái máu cuối bãi, đái máu tái phát nhiều đợt.
- Đau tức vùng hạ vị.
- Các triệu chứng khác như tiểu buốt, tiểu rắt…
Ung thư bàng quang không được điều trị sẽ dẫn đến tình trạng xâm lấn vào lỗ niệu quản 2 bên và tổ chức xung quanh. Hậu quả có thể gây chảy máu, suy thận, tắc ruột…
Ung thư bàng quang hoàn toàn có thể phòng ngừa hoặc điều trị khỏi nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Để phòng ngừa căn bệnh này, mọi người cần lưu ý:
- Không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá.
- Cẩn trọng khi phải làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể bài tiết, thải độc tốt hơn.
- Ăn các loại rau củ chứa nhiều chất xơ.
- Khám định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe.
Bình luận tiêu biểu (0)