Đầu ngày 8/9 (theo giờ Việt Nam), ghi nhận trên Oilprice, giá dầu WTI của Mỹ giao dịch mức 88,3 USD/thùng, giảm 4,1%; trong khi dầu Brent chuẩn toàn cầu giao dịch ngưỡng 89,48 USD/thùng, giảm 3,6%.
Dầu thô thế giới mất giá ngay cả khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu. Theo các chuyên gia kinh tế, triển vọng u ám của những nền kinh tế lớn đang tạo sức ép lớn lên thị trường dầu.
Theo giới phân tích, giá dầu giảm mạnh do lo ngại về triển vọng tăng lãi suất trên toàn cầu và các biện pháp kiểm soát Covid-19 kéo dài ở Trung Quốc làm suy yếu nhu cầu nhiên liệu tại châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc Mỹ tích cực lập liên minh áp đặt trần giá dầu cho Nga cũng khiến thị trường lo ngại khiến giá dầu giảm.
Ngoài ra, việc đồng USD lên cao nhất mọi thời đại cũng khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn, nhu cầu dầu giảm sút.
Ngày 5/9, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng dầu tháng 10 xuống 100.000 thùng/ngày. Thông tin này khiến giá dầu bật tăng. Tuy nhiên, đến ngày 7/9, giá dầu đã lao dốc do lo sợ nhu cầu suy yếu.
Trong khi đó, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore hiện đã quay về gần 103 USD/thùng. Cụ thể, theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng A95 nhập khẩu từ Singapore tính đến ngày 2/9 đã giảm về mức 102,97 USD/thùng.
Mức giá này tương đương với mức giá hồi cuối tháng 1, khi đó giá xăng bán lẻ là 24.360 đồng/lít. Như vậy, nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường là 3.300 đồng thì giá xăng nhập hiện chỉ ở mức 21.000 đồng/lít, thông tin trên VietNamNet.
Tương tự, theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, với mức giá này, khả năng trong kỳ điều hành tới (dự kiến ngày 11/9), giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ giảm, riêng dầu diesel có thể giảm sâu.
"Xăng dầu thế giới liên tục lao dốc sẽ giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. Theo tôi, kỳ điều chỉnh tới đây, giá dầu chắc sẽ giảm mạnh, giá xăng giảm ít hơn. Mức giảm cụ thể phụ thuộc vào chi, sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) nữa", vị này nói VTC News.
Tại thị trường trong nước, tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 5/9), giá xăng giảm còn giá dầu diesel tăng mạnh. Theo đó, giá xăng E5 giảm 370 đồng/lít, giá bán là 23.350 đồng/lít; giá xăng RON95-III giảm 430 đồng/lít, giá bán là 24.230 đồng/lít. Trái lại, giá dầu diesel 0,05S được điều chỉnh tăng 1.430 đồng/lít, giá bán là 25.180 đồng/lít.
Như vậy, giá dầu diesel đã tăng mạnh, cao hơn giá xăng E5 là 1.830 đồng/lít; cao hơn giá xăng RON95 là 950 đồng/lít. Đây là điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu Việt Nam. Bởi lẽ từ trước đến nay, giá dầu diesel thường thấp hơn giá xăng.
Giá dầu diesel cao hơn giá xăng dẫn tới nguy cơ làm tăng giá đầu vào cho sản xuất, tăng giá cả hàng hóa, gây áp lực lạm phát và ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ: Liên quan đến việc giá dầu lần đầu tiên cao hơn giá xăng, về góc độ điều hành giá xăng dầu, chúng tôi luôn mong muốn giá dầu và giá xăng đều thấp hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, người dân.
Đúng là từ trước tới nay, chúng ta đều quen với việc giá bán lẻ dầu hỏa và dầu diesel thấp hơn giá xăng, nhưng tại kỳ điều hành ngày 5/9 vừa qua thì lần đầu tiên giá bán lẻ dầu diesel và dầu hỏa đã ghi nhận cao hơn giá xăng.
Tuy nhiên, tại thị trường thế giới, từ đầu năm 2022 đến nay, sau xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Hoa Kỳ giảm, nên nhu cầu đối với dầu diesel và dầu hỏa tăng nhằm thay thế nhu cầu về khí đốt. Điều này dẫn đến giá sản phẩm dầu tăng khá cao, ở mức tương đương hoặc cao hơn giá xăng.
Những tháng gần đây, để chuẩn bị cho nhu cầu tăng vào mùa đông và nhu cầu người dân đang dần chuyển sang dùng dầu khi giá năng lượng tăng cao, thì giá dầu đã tăng khá mạnh, cao hơn nhiều so với giá xăng.
Hiện nay, trung bình trên thế giới, bình quân giá xăng ở mức 105 USD/thùng, trong khi giá dầu đang ở mức 143 USD/thùng. Trong nước, trong cơ cấu giá xăng và giá dầu, các mức thuế, chi phí kinh doanh, định mức rất khác nhau. Thực tế, thuế nhập khẩu bình quân của các loại dầu chỉ ở mức 0-0,72%, thuế nhập khẩu xăng bình quân là 9,7%. Thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0%; của xăng là 8-10%.
Do đó, giá bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn cao hơn giá dầu. Tuy nhiên, ở kỳ điều hành giá ngày 5/9 vừa qua, do giá xăng và giá dầu thế giới có sự chênh lệch lớn, giá dầu cao hơn giá xăng 30-35 USD/thùng, nên giá bán lẻ dầu trong nước đã lần đầu tiên cao hơn giá xăng.
Về tương quan giá xăng - dầu trên thế giới, hiện nay tại châu Âu hầu như các nước đều có giá dầu cao hơn giá xăng, như Italia, Hungary, Đức, Pháp, Đan Mạch, CH Séc, Áo, Bỉ, Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha,… Ngay ở Hoa Kỳ, trong hôm nay, giá xăng ở mức 4,5 USD/gallon, trong khi giá dầu là 5,059 USD/gallon (1 gallon = 3,78l).
PN (Nguoiduatin.vn)