Ngành bán dẫn là ngành công nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, máy tính và thiết bị di động bằng cách sử dụng chất bán dẫn. Chất có độ dẫn điện ở mức trung gian giữa chất dẫn điện và chất cách điện. Các vi mạch và chip được sản xuất từ chất bán dẫn này.
Ngành bán dẫn gồm ba giai đoạn: Thiết kế, sản xuất và kiểm thử. Việt Nam chủ yếu tham gia vào công đoạn đầu và cuối, nên các ngành đào tạo cũng tập trung vào hai phần này. Các trường đại học ở nước ta đã đào tạo bán dẫn từ lâu, nhưng ở dạng chương trình chuyên sâu, thuộc các ngành, lĩnh vực lớn như khoa học công nghệ, điện tử viễn thông.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các trường miễn, giảm học phí cho sinh viên ngành bán dẫn. Các cơ sở đào tạo phải có chính sách ưu tiên như học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính cho người học ngành bán dẫn.
Nội dung này được đề cập trong văn bản Bộ GD&ĐT gửi các trường về việc triển khai thực hiện chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
Cụ thể, theo Bộ GD&ĐT, các trường cần chính sách ưu tiên, gồm học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho người học chương trình đào tạo về bán dẫn. Đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trong việc tìm kiếm hỗ trợ kinh phí hoặc cấp học bổng; tạo điều kiện thực hành, thực tập cho sinh viên tại doanh nghiệp và được tuyển dụng sau khi ra trường.
Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra một số đề nghị về phát triển đội ngũ giảng viên và phát triển cơ sở vật chất, yêu cầu trường đại học xây dựng chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao ở cả 3 công đoạn của ngành công nghiệp bán dẫn (thiết kế, sản xuất và kiểm thử, đóng gói), tuyển sinh bảo đảm số lượng và chất lượng.
Dự kiến 18 trường đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở.
Ngành bán dẫn - Nhu cầu tuyển dụng cao, lương có thể lên tới 10 con số!
Việt Nam hiện được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến cuối năm 2023 cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.
Mới đây Nvidia, hãng chip 1.000 tỷ USD ký kết thành lập trung tâm AI với Chính phủ, khai sinh Nvidia Việt Nam.
Về mức lương của ngành bán dẫn, theo thông tin từ báo Lao Động, ông Nguyễn Phúc Vinh - Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam - cho biết, hiện nhân sự ngành vi mạch, bán dẫn được trả lương theo kinh nghiệm, làm càng lâu, lương càng cao.
Theo anh Lê Thanh Bình - một kĩ sư chip bán dẫn tại công ty ESilicon Vietnam, thông thường mức lương của sinh viên mới ra trường ngành chip bán dẫn có thu nhập từ 15 - 18 triệu/tháng. Tuy nhiên, cá nhân nào có kinh nghiệm lâu năm thì mức lương một năm làm việc phải lên tới 10 con số.
Tuỳ từng vị trí việc làm cụ thể hoặc thời gian làm việc, mức lương của nhân lực ngành bán dẫn sẽ khác nhau. Có những kĩ sư làm lâu năm có thể nhận mức lương lên tới 2 tỉ đồng/năm.
Hiện tại, ở Việt Nam, sinh viên cũng muốn học ngành bán dẫn có thể theo học tại các trường: Đại học quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Công nghệ Thông tin TP.HCM, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn và Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật (thuộc Đại học Đà Nẵng), Trường đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội,...
Thanh Hương (Tổng hợp)