Nghi vấn tên lửa Oreshnik mang đầu đạn giả
Theo tờ EurAsian Times ngày 27/11, một làn sóng tranh luận đang bùng nổ xoay quanh việc tên lửa "không thể đánh chặn" Oreshnik được Nga triển khai tấn công Ukraine hôm 21/11 mang đầu đạn thật hay giả?
Đây là loại tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới chưa từng được Nga tiết lộ trước đây. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, tên lửa Oreshnik đã được bắn vào một cơ sở trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine ở Dnipro nhằm đáp trả việc Kiev triển khai vũ khí tầm xa của Mỹ và Anh tấn công lãnh thổ Nga.
Mục tiêu được cho là nhà máy PA Pivdenmash, mà Nga gọi là Yuzhmash, nơi sản xuất tên lửa và các loại vũ khí khác cho quân đội Ukraine.
(Khoảnh khắc tên lửa 'không thể đánh chặn của Nga trút xuống Dnipro. Nguồn: The Times)
"Những đám mây đang bay thấp trên thành phố Dnipro (Ukraine) bỗng lóe sáng trong tích tắc. Ngay sau đó, hàng chục đầu đạn phát sáng lao vun vút xuống từ trên bầu trời.
Những tiếng nổ 'không giống bất cứ thứ gì' mà người dân Ukraine từng nghe thấy trước đây vang lên ầm ầm trên các con đường tại thành phố trung tâm của Ukraine, với dân số khoảng 1 triệu người" – Tờ New York Times (Mỹ) mô tả khoảnh khắc siêu tên lửa Nga ập tới.
Thế nhưng, hãng tin Reuters (Anh) ngày 26/1 dẫn hai nguồn tin cấp cao trong chính phủ Ukraine cho hay, cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga chỉ "gây ra thiệt hại hạn chế".
Một trong hai nguồn tin nói rằng, tên lửa mang theo "đầu đạn giả" và gây ra thiệt hại "khá nhỏ". Nguồn tin còn lại thì khẳng định tên lửa Nga "không có thuốc nổ".
"Không có dạng vụ nổ nào như chúng tôi mong đợi. Có tác động gì đó, nhưng không quá lớn" – Nguồn tin nói.
Tiếp tục trích dẫn "các chuyên gia giấu tên", bản tin của Reuters cho biết, lực lượng Nga đã bỏ thuốc nổ ra khỏi đầu đạn (RV) để chừa không gian đặt các thiết bị có chức năng đánh giá hiệu suất tên lửa trong quá trình thử nghiệm.
Ngoài ra, cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga "chỉ đơn thuần là một lời cảnh báo gửi tới phương Tây".
Thử nghiệm tên lửa nên phải tháo thuốc nổ?
Bình luận về bản tin của Reuters, phi công về hưu của Không quân Ấn Độ (IAF) – chuyên gia quân sự Vijainder K Thakur cho rằng, trước tiên cần xem lại tuyên bố của Ukraine khi họ cho rằng Nga phải tháo bỏ thuốc nổ và lắp thiết bị đo đạc để thử nghiệm tên lửa.
Oreshnik là tên lửa có khả năng mang MIRV (đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập), với mỗi đầu đạn có khả năng nhắm vào các mục tiêu riêng biệt. MIRV này lại được phát triển dựa trên đầu đạn lượn siêu vượt âm Avangard của Nga.
Avangard được thiết kế để mang theo tải trọng hạt nhân hoặc phi hạt nhân và có thể di chuyển với tốc độ lên tới Mach 20 trong khi thực hiện các thao tác cơ động né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Tính linh hoạt và tốc độ của Avangard khiến nó trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược "siêu vượt âm" của Nga.
Avangard đã được thử nghiệm, hoàn thiện và triển khai hoạt động trên ít nhất 2 bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Nga. Moscow có kế hoạch biến toàn bộ hệ thống răn đe tên lửa chiến lược của mình thành hệ thống tên lửa siêu vượt âm dựa trên Avangard.
"Với một đầu đạn đã được thử nghiệm như thế này, không có lý do gì để phải đặt thiết bị đo lường hiệu suất trong Avangard" – Ông Thakur nhận định, bác bỏ tuyên bố của Ukraine về việc đầu đạn của tên lửa Oreshnik phải tháo đầu đạn để lắp thiết bị đo đạc.
Theo vị chuyên gia, các quan chức Ukraine không đưa ra được bằng chứng nào về "thiết bị đo hiệu suất" mà họ đề cập. Trên thực tế, nếu các thiết bị này tồn tại, Ukraine "có thể dễ dàng thu hồi" tại điểm va chạm của tên lửa.
Bên cạnh đó, tuyên bố của Ukraine còn có sự mâu thuẫn, khi ở tuyên bố trước đó, họ khẳng định Nga không bắn tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mà là ICBM RS-26 Rubezh, được Moscow phát triển đầu những năm 2000.
Làm rõ mức độ thiệt hại
Tiếp tục làm rõ nghi vấn xoay quanh tên lửa Oreshnik, ông Thakur lưu ý, bản tin của Reuters không nêu rõ mức độ thiệt hại do tên lửa Oreshnik gây ra, mà chỉ đề cập rằng đầu đạn của tên lửa "gây ra thiệt hại hạn chế". Đây là một điểm bất hợp lý.
"Giả sử đầu đạn của Oreshnik quả thật không chứa thuốc nổ đi chăng nữa, thì cũng chỉ có người mù vật lý mới tin rằng tác động của một vật thể kim loạt di chuyển với tốc độ Mach 10 gây ra thiệt hại nhỏ" – Vị chuyên gia nêu quan điểm.
"Hãy hỏi một phi công chiến đấu từng trải qua vụ va chạm với một con chim nhỏ ở tốc độ 800km/h, anh ấy sẽ cho các bạn biết mức độ thiệt hại lớn tới mức nào. Và nếu con chim đó va vào các cánh quạt máy nén của động cơ (máy bay) thì cách duy nhất để phi công quay trở lại mặt đất chỉ có thể là nhảy dù" – Ông Thakur nói.
Theo ông, trong trường hợp của tên lửa Oreshnik, kim loại (có thể là vonfram) bay với tốc độ 11.000km/h và đã va vào mục tiêu.
"Có tới 36 điểm va chạm, nhưng thật ngạc nhiên khi các nguồn tin của Ukraine không thể đưa ra ảnh chụp về bất cứ điểm va chạm nào" – Ông Thakur cho hay, lưu ý thêm rằng, bản tin của Reuters cũng không đề cập tới việc nhiều cơ sở phát triển tên lửa tại nhà máy Yuzmash (Dnipro) bị tên lửa Oreshnik tấn công được cho là nằm dưới lòng đất.
"Vài thập kỷ trước, một chiếc MiG-21 của Không quân Ấn Độ (IAF) bay với tốc độ Mach 1 đã lao thẳng xuống khu đất nông nghiệp ở Punjab. Nó không để lại hố lớn nào tại điểm va chạm, chiếc máy bay chỉ đơn giản là biến mất.
Tôi tin rằng IAF đã không thể thu hồi bất cứ mảnh vỡ nào vì máy bay đã xuyên sâu xuống lòng đất. Nếu có một cơ sở ngầm tại điểm va chạm, nó sẽ bị phá hủy hoàn toàn" – ông Thakur nói.
"Do đó, 36 bộ thanh vonfram va chạm ở tốc độ Mach 10 sẽ không thể khiến cơ sở ngầm của mục tiêu còn nguyên vẹn" – Vị chuyên gia nhận định.
Có thể đi tới kết luận nào?
Dựa vào những luận điểm trên, theo ông Thakur, chỉ có nguồn tin thứ hai mà Reuters trích dẫn có thể được xem là đáng tin cậy một phần.
"Không có dạng vụ nổ nào như chúng tôi mong đợi. Có tác động gì đó, nhưng không quá lớn" – Nguồn tin này nói.
Theo vị chuyên gia, tuyên bố trên là đúng. Một vật thể kim loại di chuyển với tốc độ Mach 10 khó có thể tạo ra một hố bom rõ ràng. Video ghi lại hình ảnh cuộc tấn công của Oreshnik không cho thấy vụ nổ nào. Ngoài ra, cũng không có hình ảnh vệ tinh nào về tác động của đầu đạn được công bố.
Tuy nhiên, thông tin sai lệch nằm ở chỗ phía Ukraine nói rằng, vụ phóng tên lửa chỉ là một cuộc thử nghiệm "gây ra ít thiệt hại".
Ông Thakur nhận định, nếu mục đích của Nga chỉ là thử tên lửa, họ hoàn toàn có thể làm điều đó tại nhiều bãi thử trong nước, do đường truyền liên lạc giữa thiết bị đo lường trong đầu đạn và các địa điểm giám sát phóng khi đó đáng tin cậy hơn nhiều.
"Ngoài ra, nếu mục đích chỉ là gửi thông điệp tới phương Tây, tại sao Nga không nhắm mục tiêu tượng trưng vào Verkhovna Rada (quốc hội Ukraine) – nơi hầu như không có người ở vào thời điểm xảy ra vụ tấn công?" – Ông Thakur đặt câu hỏi.
Trước đó, theo ông Theodore Postol - chuyên gia công nghệ tên lửa hàng đầu của Mỹ và là Giáo sư danh dự tại Viện công nghệ Massachusetts, không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên thế giới hiện nay có thể đánh chặn được tên lửa Oreshnik của Nga.
Ông bác bỏ các nhận định cho rằng Oreshnik đại diện cho các phát triển lỗi thời trước đây của Moscow.
"Bất cứ ai đưa ra tuyên bố đó đều không biết họ đang nói gì, hoặc chỉ đang nói dối. Tôi đoán những tuyên bố này được đưa ra bởi những chính trị gia không nắm rõ sự khác biệt giữa các tên lửa" – Ông Postol nói.
"Hiện tại, không có gì có thể tấn công hệ thống đó (Oreshnik) và cung cấp bất cứ khả năng phòng thủ có hiệu quả nào để chống lại nó" – Vị giáo sư nhấn mạnh.
Nhật Minh