Theo ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, việc quản lý thông tin trên mạng xã hội hiện nay chưa đảm bảo cơ sở pháp lý, cần thiết phải có sự thay đổi. Chính vì vậy, Sở tiếp tục đề xuất tài khoản mạng xã hội phải có định danh, sau khi định danh mới được bình luận. Các tài khoản xuyên biên giới cũng phải chấp hành pháp luật Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên có đề xuất về việc định danh mạng xã hội. Trước đó, tháng 7/2023, Bộ TT&TT cũng triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NÐ-CP (Nghị định số 72) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Theo đó, dự thảo đề xuất quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội thông qua số điện thoại di động tại Việt Nam.
Theo đó, tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức sẽ phải thực hiện định danh thông qua việc cung cấp thông tin của bản thân, như: Tên thật, số điện thoại, địa chỉ email hoặc giấy tờ tùy thân để chứng minh danh tính của mình. Việc này được áp dụng cho cả mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới, gồm: Facebook, YouTube, TikTok, Twitter... Các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.
Về việc cần thiết phải định danh tài khoản mạng xã hội, theo ông Lâm Đình Thắng, thông tin trên mạng xã hội hiện nay đang theo 2 nguồn. Nguồn đầu tiên gồm các tổ chức, cá nhân trong nước đã được cấp phép. Nguồn còn lại bao gồm các trang thông tin không rõ nguồn gốc, dùng tiếng Việt nhưng lại sử dụng tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài. Những tin giả, tin sai lệch chủ yếu được lan truyền thông qua các mạng xã hội xuyên biên giới như YouTube, Facebbook, TikTok… Đa phần các mạng xã hội xuyên biên giới đều chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam, khi có vấn đề về vi phạm, các doanh nghiệp này đều tìm cách né tránh.
Thời gian qua, Sở cũng đã phát hành và tuyên truyền hai bộ quy tắc và cẩm nang đến người dân gồm quy tắc ứng xử trên không gian mạng và cẩm nang phòng, chống tin giả. Hệ thống “Lắng nghe mạng xã hội” cũng phát hiện được những trang thông tin điện tử thay đổi thông tin, nguồn gốc hoặc có hành vi vi phạm trên mạng.
Từ đầu năm đến nay, Sở cũng đã kiến nghị Bộ xử lý 30 tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm. Trước đó, trong năm 2024, Sở cũng đã chuyển 24 hồ sơ và từ đầu năm đến nay là 18 hồ sơ vi phạm trên không gian mạng sang cơ quan chức năng để xử lý.
Nguyên Đỗ