Một buổi sáng, ông Ngô (Thành Đô, Trung Quốc) cùng 3 người bạn rủ nhau ra bờ sông câu cá. Tuy nhiên, đến tận trưa vẫn không câu được con nào. Ông Ngô khi đó đã rủ nhóm bạn đi ăn trưa. Sau khi ăn xong, ông Ngô dẫn đường cho nhóm cần thủ đi câu ở 1 vị trí khác.
Theo lời kể của một người bạn cho biết, khi đó ông Ngô dẫn đoàn nên đi trước các bạn 1 quãng khá dài. Khoảng 10 phút sau, lúc đi qua 1 khúc cua thì nhóm bạn không thấy ông Ngô đâu nữa. Mọi người vội vàng chạy lên phía trước tìm thì thấy ông Ngô nằm sấp mặt xuống đất bên bờ sông, một chiếc giày rơi trên bãi cỏ, cần câu cũng nằm đổ bên cạnh.
Một người bạn kể lại: "Chúng tôi rất hoảng sợ, vội vàng gọi lớn nhưng ông ấy không phản ứng. Khi lật người ông ấy lại, chúng tôi phát hiện ông ấy sùi bọt mép, không còn thở nữa rồi cứ tím tái dần. Chúng tôi đã gọi cấp cứu ngay sau đó. Thực sự rất ám ảnh."
Đội cứu hộ đã có mặt nhanh chóng nhưng đáng tiếc là ông Ngô đã tử vong.
Người đàn ông tử vong bất thường khi đi câu cá cùng bạn. Ảnh minh họa: BaijiaHao
Nguyên nhân tử vong được hé lộ
Sau khi kiểm tra, bác sĩ kết luận ông Ngô tử vong do cần câu của ông chạm vào đường dây điện cao thế trên đầu dẫn đến bị điện giật. Gia đình nạn nhân sau đó đã yêu cầu công ty điện lực bồi thường nhưng bất thành nên đã khởi kiện vụ việc ra tòa.
Ảnh minh họa
Gia đình ông Ngô cho rằng, với tư cách là người dân bình thường, ông Ngô không có đủ hiểu biết về điện cao thế. Trong khi đó, công ty điện lực là đơn vị chuyên môn, có đủ nhận thức về mức độ nguy hiểm của điện cao thế, do đó có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho người và thiết bị điện. Điểm xảy ra tai nạn là điểm thấp nhất của đường dây cao thế. Mặc dù chiều cao đã đạt tiêu chuẩn quy định nhưng bên cạnh là ruộng lúa, người dân mang theo gậy đi qua là điều không thể tránh khỏi. Công ty điện lực chỉ đặt biển báo "Cấm câu cá dưới đường dây điện" mà không có biện pháp ngăn cách hiệu quả nào khác, do đó phải chịu toàn bộ trách nhiệm về cái chết của ông Ngô.
Phía bị đơn là công ty điện lực cho rằng việc lắp đặt đường dây cao thế này đã tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia liên quan, và tại hiện trường đã có biển cảnh báo rõ ràng "Nguy hiểm cao thế, cấm câu cá". Công ty điện lực không có bất kỳ lỗi nào. Theo quy định, bất kỳ đơn vị hay cá nhân nào cũng không được câu cá trong khu vực bảo vệ thiết bị điện. Ông Ngô đã vi phạm quy định này khi đi câu cá qua khu vực bảo vệ của đường dây điện trên không, đồng thời phớt lờ biển cảnh báo. Mặc dù biết rõ địa điểm xảy ra vụ việc là bãi sông không có đường đi được quy hoạch, ông Ngô vẫn mang theo cần câu cacbon dài hơn 5 mét đi qua đường dây điện trên không. Do đó, việc ông Ngô không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chú ý an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho bản thân. Công ty điện lực không có trách nhiệm bồi thường.
Phán quyết tòa án: Công ty điện lực chịu 30% trách nhiệm
Sau khi xem xét, tòa án xác định địa điểm xảy ra vụ việc không phải khu dân cư. Công ty điện lực không chứng minh được cái chết của ông Ngô là do cố ý gây ra nên phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, do đường dây cao thế liên quan đã được lắp đặt theo đúng yêu cầu của quốc gia và tại hiện trường có nhiều biển cảnh báo, chứng tỏ công ty điện lực đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quản lý và cảnh báo an toàn nên được giảm nhẹ trách nhiệm vi phạm.
Ảnh minh họa
Ông Ngô là người trưởng thành, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Vì mục đích câu cá, ông đã phớt lờ cảnh báo an toàn, đi qua khu vực nguy hiểm có đường dây cao thế nên có lỗi nghiêm trọng trong việc gây ra thiệt hại. Tổng thiệt hại của ông Ngô được xác định là hơn 1,02 triệu Nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ VNĐ). Do đó, tòa án quyết định ông Ngô tự chịu 70% trách nhiệm và công ty điện lực chịu 30% trách nhiệm, đồng thời bồi thường cho gia đình ông Ngô 20.000 Nhân dân tệ (khoảng 67 triệu VNĐ) tiền bồi thường tổn thất tinh thần. Trên cơ sở đó, tòa án đã đưa ra phán quyết như trên vào ngày 03/12/2024.
Tiểu Lam