Theo trang alphadefense.in (Ấn Độ), vụ địa chấn này, được Cơ quan địa chấn Armenia ghi nhận ở cường độ 4,6 độ richter, đã làm dấy lên các cuộc thảo luận và tin đồn rộng rãi về việc liệu đây có phải là một vụ thử vũ khí hạt nhân dưới lòng đất do Iran tiến hành hay chỉ là một trận động đất tự nhiên.
Vụ địa chấn xảy ra ở sa mạc cách thành phố Semnan của Iran 44 km về phía tây nam, với tâm chấn chỉ cách mặt đất 10 km, tương đối nông so với các hoạt động địa chấn tương tự. Vụ địa chấn ở độ sâu này, xảy ra cùng với thời điểm căng thẳng địa chính trị liên quan đến Iran, đã thúc đẩy nhiều suy đoán.
Ngay sau sự việc, mạng xã hội đã xôn xao khi cư dân mạng quy kết hoạt động địa chấn này với các vụ thử vũ khí hạt nhân tiềm tàng. Một số người chỉ ra rằng tâm chấn của trận động đất gần các cơ sở hạt nhân đã biết hoặc được đồn đoán ở Iran.
Suy đoán càng được thúc đẩy bởi các cuộc xung đột và căng thẳng đang diễn ra giữa Iran và Israel, với nhiều cư dân mạng cho rằng đây có thể là một vụ thử vũ khí hạt nhân bí mật báo hiệu năng lực quân sự của Iran.
Giả thuyết Iran thử vũ khí hạt nhân?
Khả năng kỹ thuật: Theo trang alphadefense.in, các vụ thử vũ khí hạt nhân dưới lòng đất, đặc biệt là ở quy mô tạo ra địa chấn, về mặt kỹ thuật là có thể xảy ra, nhưng sẽ đòi hỏi sự chuẩn bị đáng kể. Các cơ sở hạt nhân đã biết của Iran, như Natanz, được gia cố sâu dưới lòng đất, có khả năng thực hiện các hoạt động như vậy. Tuy nhiên, từ độ sâu của vụ địa chấn cụ thể này và quy mô của nó không thể khẳng định rõ ràng về một vụ thử hạt nhân bởi tính phức tạp liên quan đến việc đảm bảo các vụ nổ hạt nhân ở độ sâu như vậy không gây ra sự đứt gãy trên bề mặt.
Bối cảnh chính trị: Căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Iran với Israel càng làm tăng thêm suy đoán. Những tiến bộ của Iran trong chương trình hạt nhân của mình, như các nhà quan sát quốc tế lưu ý, đã làm giảm đáng kể thời gian đột phá để có được vật liệu cấp vũ khí, làm gia tăng mối quan ngại toàn cầu.
Phản ứng ngoại giao và quân sự: Không có tuyên bố hoặc xác nhận ngay lập tức nào từ phía Iran liên quan đến một vụ thử vũ khí hạt nhân. Ngược lại, cũng không có động thái lên án quốc tế ngay lập tức hoặc phản ứng quân sự nào sau một vụ thử hạt nhân nếu được xác nhận, vì điều này thường sẽ thúc đẩy phản ứng từ các cơ quan như Liên hợp quốc hoặc các quốc gia cụ thể như Mỹ hoặc Israel.
Một trận động đất tự nhiên?
Theo trang alphadefense.in, Iran nằm trên các đường đứt gãy lớn, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia dễ xảy ra động đất nhất trên thế giới. Do đó, hoạt động địa chấn tự nhiên không phải là bất thường tại Iran.
Thiếu bằng chứng ngay lập tức: Không có báo cáo nào về bụi phóng xạ hoặc các dấu hiệu khác thường liên quan đến một vụ thử vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, dấu hiệu địa chấn, mặc dù được cho là có, nhưng không phải là chắc chắn nếu không có thêm phân tích địa chất và có thể là trên thực địa.
Tóm lại, trang alphadefense.in nhận định, câu hỏi về việc liệu Iran có tiến hành thử vũ khí hạt nhân dưới lòng đất vào đêm 5/10 hay không vẫn chưa có lời giải đáp với bằng chứng cụ thể. Trong khi đó, suy đoán trên các nền tảng truyền thông xã hội như X có thể lan truyền nhanh chóng, tạo không gian cho cả thảo luận có hiểu biết và thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, theo alphadefense.in, vụ việc này nhấn mạnh những lo ngại đang diễn ra liên quan đến năng lực hạt nhân của Iran, và những căng thẳng địa chính trị khuếch đại ngay cả các hiện tượng tự nhiên thành tín hiệu tiềm tàng của sự leo thang xung đột.
Hữu Hiển