Ứng dụng BIM tối ưu tiến độ cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
Những ngày cuối tháng 9/2024, gần 4.000 nhân sự, gần 1.800 đầu máy, thiết bị trải dài trên 50 mũi thi công vẫn miệt mài tăng tốc để đưa dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn về đích sớm.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị đứng đầu liên danh) cho biết, quyết tâm đưa dự án về đích vào cuối năm 2025, trước 8 tháng so với kế hoạch ban đầu, bên cạnh duy trì thi công "3 ca, 4 kíp", việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ BIM đang được nhà thầu đẩy mạnh ứng dụng để tối ưu tiến độ, thời gian.
"Ngay từ giai đoạn đầu, ban điều hành dự án đã hợp tác với các đơn vị tư vấn triển khai hạng mục ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nâng cao quản lý dự án tại cả 3 gói thầu (XL1, XL2 và XL3). Đơn vị nhà thầu đã tiến hành sử dụng UAV LIDAR để quét laser 3D hiện trạng, xử lý số liệu khảo sát point cloud (đám mây điểm) để xây dựng bề mặt hiện trạng và xác định phạm vi thiết kế.
Với dữ liệu Point Cloud thu thập được, hàng triệu điểm dữ liệu sẽ được ghi lại từ bề mặt của các vật thể trong môi trường, sau đó tạo ra một "đám mây" các điểm trong không gian 3D, tạo mô hình kỹ thuật số hiện trạng công trình, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế bản vẽ thi công, rà soát hồ sơ thiết kế, xây dựng mô hình…", đại diện liên danh thông tin.
Cũng theo đại diện nhà thầu, hiện, dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang triển khai quy trình EIR (Employer's Information Requirements - Bản yêu cầu thông tin của chủ đầu tư) và BEP (BIM Execution Plan - Kế hoạch triển khai BIM) được khoảng 50% khối lượng.
Ban điều hành đã lựa chọn một số phân đoạn để triển khai BIM chi tiết theo từng mức khác nhau. Các phần ta luy cửa hầm và quảng trường, bê tông cốt thép phần hầm, bố trí cốt thép cho dầm, trụ, mố cầu… được thiết kế mô hình 3D đến từng kết cấu.
Sau khi hoàn thành thiết kế, BIM của từng phân đoạn, hạng mục sẽ được phối hợp với nhau. BIM cũng hỗ trợ phát hiện xung đột giữa các thành phần của công trình, chẳng hạn như sự va chạm giữa đường ống dẫn và dầm kết cấu…
BIM cũng đóng vai trò là nền tảng dữ liệu chung để phép tích hợp tất cả dữ liệu về thiết kế, kết cấu, cơ điện, và hệ thống kỹ thuật vào một mô hình 3D duy nhất.
Các nhóm thiết kế của các hạng mục khác nhau cùng phối hợp thực hiện, giúp tăng tính đồng bộ trong thiết kế. Các thông tin, văn bản khác như biên bản nghiệm thu cũng được tích hợp vào trong mô hình để thuận tiện cho công tác theo dõi thực hiện.
Từ mô hình BIM có thể trích xuất khối lượng vật tư, vật liệu yêu cầu và khối lượng công việc cần thực hiện, hỗ trợ quản lý chi phí tốt hơn và dự báo chính xác các yêu cầu về nguồn lực cho dự án, giảm thiểu rủi ro về chi phí phát sinh ngoài ý muốn, tăng tính khả thi và hiệu quả tài chính cho dự án.
BIM cũng hỗ trợ thiết kế và mô tả biện pháp thi công, phương pháp thi công cải tiến tại hầm số 2 được mô phỏng bằng 3D từng công đoạn như công tác khoan và tạo lỗ nổ, lắp đặt thuốc nổ, công tác khoan đục, vận chuyển đất đá…
Theo kế hoạch, tiến độ BIM của gói XL1 sẽ hoàn thành vào 30/6/2025, gói XL2 hoàn thành vào 31/8/2025 và gói XL3 hoàn thành vào 31/12/2025.
Kết quả theo dõi việc áp dụng BIM của Bộ Xây dựng giai đoạn 2017-2021 cho thấy, BIM góp phần rút ngắn thời gian (từ 12-15%) và nâng cao chất lượng công tác thiết kế, thi công và quản lý dự án đầu tư xây dựng (tiết kiệm chi phí dự án đến 12% so với tiến độ được duyệt).
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được thiết kế như thế nào?
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc tuyến đường cao tốc Bắc-Nam dài 88km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3 km, qua Bình Định dài 27,7 km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, do Ban QLDA2 làm chủ đầu tư, khởi công vào ngày 1/1/2023 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vào năm 2026.
Đây là 1 trong 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông được khởi công vào năm 2023 và là dự án có vốn đầu tư lớn nhất, trong đó điểm nhấn là 3 hầm xuyên núi. Riêng hầm số 3 nối hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định có chiều dài 3,2km, khi đưa vào sử dụng sẽ là hầm đường bộ dài thứ 3 cả nước sau hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả.
Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là một trong những đoạn tuyến khó thi công trên tuyến cao tốc Bắc – Nam khi có 3 hầm xuyên núi, trong đó có 1 hầm cấp đặc biệt tại lý trình Km60 với chiều dài 3.200 mét. Thời gian thi công phần cầu, đường là 34 tháng và phần hầm là 42 tháng, dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào quý II/2026.
Tuyến cao tốc này có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội và phát triển hạ tầng của Quảng Ngãi, Bình Định cũng như khu vực miền Trung.
Tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh miền Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và giao thương. Nó giúp kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là khu vực Quảng Ngãi và Bình Định với các khu vực lân cận.
Với việc rút ngắn thời gian di chuyển, các khu công nghiệp, các điểm du lịch, và các dự án đầu tư sẽ được hưởng lợi, góp phần thu hút đầu tư vào khu vực, từ đó tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Với việc dễ dàng kết nối các địa điểm du lịch nổi tiếng như Quy Nhơn (Bình Định), Lý Sơn (Quảng Ngãi), tuyến cao tốc sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch biển và văn hóa tại khu vực miền Trung.
Tuyến cao tốc này cũng sẽ giúp giảm tải cho Quốc lộ 1A, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và tình trạng ùn tắc. Việc có một hệ thống giao thông hiện đại, an toàn sẽ tăng cường sự an toàn cho người tham gia giao thông.
Tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn một khi hoàn thành sẽ là một phần của việc phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ với các tuyến cao tốc khác trên cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Thái Hà