Khu đô thị biển Cần Giờ dự kiến triển khai từ tháng 4/2025
Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường vừa được công bố, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển tại Cần Giờ dự kiến sẽ chính thức khởi công vào tháng 4/2025. Công trình này có thể hoàn thành vào năm 2030.
Siêu dự án có quy mô lên tới 2.870ha, do CTCP Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến lên đến hơn 282.000 tỷ đồng.
Trong đó, tổng mức đầu tư phần lấn biển (thi công kè, san nền) là 65.609,5 tỷ đồng; tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thật 32.516,2 tỷ đồng; và tổng mức đầu tư công trình kiến trúc 184.706,8 tỷ đồng.
Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án, hiện trạng khu vực dự án nhìn chung đều là mặt nước, chưa có công trình ngầm xây dựng. Sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được thông qua, sẽ tiến hành lắp thiết bị quan trắc trước mặt trên sông Lòng Tàu và sông Đồng Tranh để làm cơ sở đánh giá tác động của việc thi công xây dựng dự án đối với nguồn nước mặt xung quanh.
Trước đó, tháng 10/2024, UBND TP.HCM đã có quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cũng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi ký quyết định thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch từ năm 2023.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên 2.870 ha.
Cùng với đó, từ năm 2018, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã có Quyết định số 3800/QĐ-UBND ngày 05/9/2018 phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP.HCM).
Quy hoạch khu đô thị biển Cần Giờ như thế nào?
Khu vực lập quy hoạch Khu đô thị lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, thuộc huyện Cần Giờ; được chia làm 4 phân khu: A, B, C và D - E với tổng diện tích 2.870 ha.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có tính chất là khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, M.I.C.E (hội thảo, hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng), đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn…
Cụ thể, phân khu A có diện tích khoảng 953,23 ha, được quy hoạch là khu ở sinh thái gắn với dịch vụ du lịch khu vực cửa ngõ khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Phân khu B có diện tích khoảng 659,87 ha; được quy hoạch là khu ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng…), khu cây xanh đô thị, khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo định hướng đô thị hiện đại và thông minh.
Phân khu C có diện tích khoảng 318,32 ha, được quy hoạch là khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, khu đô thị hiện đại gồm các khu nhà ở (nhà ở liên kế (hạn chế), biệt thự, nhà ở cao tầng) hiện đại, văn minh.
Toà tháp 108 tầng ở mũi Hải Đăng thuộc khu C dự kiến sẽ trở thành biểu tượng của Đô thị lấn biển Cần Giờ.
Phân khu D - E gồm: Khu D có diện tích khoảng 480,46ha và khu E có diện tích khoảng 458,12ha (cây xanh và mặt nước). Trong đó, phân khu D được quy hoạch là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự) đảm bảo tiêu chí hiện đại và thông minh. Phân khu E được quy hoạch là mặt nước, kênh dẫn và cây xanh sử dụng cấp đô thị.
Dự báo quy mô dân số Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ theo nhiệm vụ quy hoạch đề xuất tối đa 228.560 người. Quy mô khách du lịch trên toàn dự án (2.870 ha) khoảng 8,887 triệu lượt/năm.
Khu đô thị lấn biển và cảng quốc tế đưa Cần Giờ "cất cánh" trong tương lai
Huyện Cần Giờ được xem là "lá phổi xanh" của TP.HCM do có rừng phòng hộ, hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cần Giờ rộng 71.300 ha, với hơn 70.000 dân, nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km. Đây là địa phương duy nhất của thành phố giáp biển với chiều dài 23 km, nhiều sông rạch, rừng ngập mặn và các điều kiện tự nhiên phát triển du lịch, đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.
Vì vậy, theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, TP.HCM định hướng đưa Cần Giờ trở thành Thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam - điểm đến quan trọng quốc tế trong chuỗi đô thị biển Đông Nam Á thông qua phát triển đô thị xanh biển Cần Giờ.
Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh dự án khu đô thị du lịch lấn biển, TP.HCM cũng đang lên kế hoạch triển khai hàng loạt dự án cầu, đường, mở tuyến metro kết nối với dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Hiện nay, việc kết nối giữa huyện Cần Giờ và phần còn lại của TP.HCM chủ yếu thông qua trục đường Huỳnh Tấn Phát - phà Bình Khánh - đường Rừng Sác. Trong tương lai, quy mô đường Rừng Sác hiện tại sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu giao thông khi hai dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây dựng.
TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng đường trên cao từ nút giao đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, chạy dọc theo đường Rừng Sác đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa.
Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất bổ sung tuyến đường sắt đô thị (metro) tại huyện Cần Giờ vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Tuyến metro này chạy dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ Khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước) tại huyện Nhà Bè. Cùng với tuyến metro, ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết đang nghiên cứu phương thí điểm 100% xe điện trên toàn huyện Cần Giờ.
Đặc biệt, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm kế bên Khu đô thị biển Cần Giờ sẽ trở thành "mỏ vàng" tương lai của Cần Giờ cũng như của thành phố đông dân, giàu top đầu cả nước như TP.HCM.
Tổng mức đầu tư dự kiến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 129.000 tỷ đồng. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.
Siêu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ sẽ giúp TP.HCM hoàn thành giấc mơ tiến ra biển lớn.
Thái Hà