MiG-23 là loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất được phát triển dưới thời Liên Xô. Được đưa vào hoạt động từ năm 1970, MiG-23 và các phiên bản phái sinh của nó vẫn được sản xuất trong 25 năm tiếp theo. Ban đầu MiG-23 bị đánh giá thấp do vẫn sử dụng hệ thống điện tử tương tự như máy bay tiền nhiệm MiG-21, nhưng đến cuối những năm 1970, MiG-23 đã phát triển thành một loại máy bay chiến đấu cực kỳ mạnh mẽ, riêng Lực lượng vũ trang Liên Xô đã đưa vào sử dụng hơn 2.000 chiếc.
Các biến thể được đánh giá cao là MiG-23ML và MiG-23MLD được trang bị hệ thống điện tử thế hệ thứ tư, với các radar mạnh hơn so với radar trên máy bay chiến đấu một động cơ hàng đầu của NATO là F-16. Các chuyên gia Israel đã thu được một chiếc MiG-23 do phi công Syria đào tẩu, họ rất ấn tượng với hiệu suất bay của MiG-23 so với F-15 và F-16 của mình.
Tiềm năng của MiG-23
Sự khác biệt giữa các biến thể trước và sau của MiG-23 khiến nhiều chuyên gia coi chúng là những máy bay gần như hoàn toàn khác biệt. Trong tay các phi công giàu kinh nghiệm, MiG-23ML/MLD đã chứng tỏ khả năng khi đối đầu trực tiếp với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tiên tiến như MiG-29 và Su-27, trong các cuộc tập trận ở Liên Xô.
MiG-23 có tiềm năng hiện đại hóa đáng kể, chiếc máy bay này thường được sử dụng làm nền tảng thử nghiệm để phát triển các thế hệ tên lửa không đối không mới của Liên Xô, bao gồm cả tên lửa R-77 dẫn đường bằng radar chủ động. Gói nâng cấp được tiến hành vào những năm 1990, bao gồm việc tích hợp radar mảng quét điện tử, cung cấp công suất, tính linh hoạt và khả năng chống nhiễu tốt hơn. Ngoài ra, máy bay còn được trang bị buồng lái bằng kính, tích hợp tên lửa R-77 và R-73.
Vào những năm 2000, Quân đội Nga cũng dự kiến phát triển một gói nâng cấp bao gồm việc tích hợp động cơ AL-31 của máy bay chiến đấu Su-30 vào MiG-23, sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu suất bay, hiệu quả nhiên liệu và mở rộng phạm vi hoạt động.
Lý do khiến MiG-23 biến mất
Mặc dù có tiềm năng hiện đại hóa cao, nhưng nhiều yếu tố đã ngăn cản MiG-23 thực hiện được điều đó. Lý do chính được cho là xuất phát từ thiết kế cánh cụp biến thiên của MiG-23. Cánh cụp biến thiên cho phép máy bay có thể hưởng lợi từ thiết kế khí động học ở các tốc độ khác nhau, với cánh cụp hướng về phía trước khi bay ở tốc độ cao sẽ giúp cải thiện độ ổn định khi bay ở độ cao thấp. Cánh đưa về phía trước cũng tạo ra nhiều lực nâng hơn để tạo điều kiện cho máy bay cất cánh từ đường băng ngắn hơn, trong khi cánh cụp hoàn toàn cho phép máy bay được cất giữ gọn gàng hơn.
Tuy nhiên, một nhược điểm lớn của cánh cụp biến thiên không chỉ là trọng lượng lớn hơn mà còn là nhu cầu bảo dưỡng cao đối với cơ chế cánh cụp, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hoạt động và chi phí vận hành. Điều này khiến MiG-23 có vẻ kém hiệu quả về mặt chi phí hơn so với MiG-29 và F-16, sử dụng thiết kế cánh mới hiệu quả hơn.
Hệ thống điều khiển bay bằng dây kỹ thuật số sử dụng công nghệ máy tính hiện đại ra đời, cho phép các thiết kế cánh máy bay kiểu tam giác không ổn định như F-16 hay MiG-23 có thể bay với mức độ ổn định cao ở tốc độ thấp. Các thế hệ động cơ mới sử dụng thiết kế tuabin phản lực cho phép máy bay chiến đấu cất cánh từ đường băng ngắn hơn nhiều ngay cả khi cánh quét về phía sau. Điều này khiến thiết kế cánh cụp biến thiên trở nên thừa thãi và cuối cùng khiến MiG-23 không còn hiệu quả về mặt chi phí so với MiG-29 mới hơn.
Sự tan rã của Liên Xô cùng sự sụp đổ gần như hoàn toàn của nền kinh tế và ngành quốc phòng Nga đã dẫn đến việc phi đội MiG-23 phải nghỉ hưu sớm hơn dự kiến hàng thập kỷ, đồng thời chấm dứt nhiều chương trình phát triển các thế hệ máy bay chiến đấu một động cơ khác.
Việc loại biên MiG-23 khiến Nga trở thành nhà sản xuất máy bay phản lực chiến đấu hàng đầu duy nhất, không có máy bay chiến đấu một động cơ trong phi đội của mình. Trong khi đó, hai loại máy bay hai động cơ Su-27 và MiG-29 cùng các phiên bản phái sinh của chúng đã trở thành xương sống cho phi đội máy bay chiến đấu của Nga trong ba thập kỷ tiếp theo.
Quang Hưng