Có lẽ nhiều người đã từng biết đến đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng với đặc trưng mỗi bức tượng đều mang một vẻ độc đáo riêng. Điều này khiến người ta liên tưởng đến nghi thức tuẫn táng – chôn người sống theo người chết rất phổ biến thời xưa. Theo các tài liệu khảo cổ, thời nhà Thương là thời kỳ mà "tuẫn táng" diễn ra nhiều nhất. Dân gian đồn rằng, Tần Thủy Hoàng muốn có một đội quân hùng mạnh ở thế giới bên kia nên đã cho nung người sống thành tượng. Tin đồn này cứ nửa hư nửa thực cho đến khi một bức tượng binh mã nung ở Thiểm Tây bị nứt vỡ, mọi nghi vấn mới được sáng tỏ.
Vào mùa xuân năm 1974, Tây An trải qua một đợt hạn hán kéo dài. Vì sinh kế và cuộc sống tương lai, những người nông dân muốn đào một cái giếng ở gần khu vực Lâm Đồng, Tây An, Thiểm Tây. Tuy nhiên, họ không đào được nước mà lại đào trúng một vật cứng. Trước đó, ở Tây An cũng có một số lò gạch, nên người dân không hề nghi ngờ mà chỉ nghĩ rằng nơi này trước kia là một lò gạch. Sau đó, hàng loạt cổ vật như tượng đất nung, nỏ,... được đào lên khiến mọi người vô cùng kinh ngạc. Đó chính là cách quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã được phát hiện.
Một trong những khu vực đáng chú ý nhất trong khu mộ đồ sộ này là đội quân đất nung. Diện tích mà đội quân đất nung chiếm giữ là rất lớn. Tuy nhiên, điều thu hút mọi người không chỉ nằm ở diện tích và số lượng khổng lồ mà còn vì chúng quá chi tiết, sống động. Đặc biệt, mỗi gương mặt trên các bức tượng đều không hề giống nhau, trông chẳng khác gì người thật.
Trong nhiều năm, không ít người đã đặt ra giả thuyết rùng rợn, đó chính là chế độ “tuẫn táng” đã được áp dụng tại đây. Mỗi bức tượng trong đội quân đất nung đều được tạo ra từ người thật nên mới muôn hình muôn vẻ như vậy.
Tuy nhiên, đây không phải là sự thật và đã được bác bỏ sau khi một chuyên gia khảo cổ phát hiện một bức tượng binh mã nung bị nứt vỡ. Sau đó, ông ngay lập tức tiến hành nghiên cứu bức tượng này. Nghiên cứu này đã bác bỏ hoàn toàn giả thuyết nung người sống của dân gian. Lý do rất đơn giản, bên trong bức tượng binh mã nung này không hề có đất, thậm chí không có bất kỳ vật liệu nào được lấp đầy. Bên trong bức tượng bị nứt hoàn toàn rỗng.
Phát hiện này khiến mọi người có cái nhìn mới về trình độ tài ba của những người thợ thủ công thời xưa. Các chuyên gia đã xác định rằng đoàn binh mã của Tần Thủy Hoàng được chế tác bằng công nghệ nung gốm. Việc nung gốm là rất khó. Đầu tiên, người thợ phải dùng khuôn gốm để tạo ra phôi ban đầu. Sau đó phủ lên bề mặt một lớp đất mỏng. Lớp đất này chính là nơi quan trọng nhất để tạo nên biểu cảm, khuôn mặt, và màu sắc của nhân vật.
Nguồn: Sohu
Thanh Huyền