Cục trưởng tài chính ở Trung Quốc nghiện đánh bạc, coi công quỹ như két sắt trong nhà

Thứ 2, 21/02/2022 20:00

Ngày 9/5/2015, trên chuyến bay từ Singapore về Bắc Kinh (Trung Quốc) có Lý Hoa Ba, người đứng thứ 2 trong danh sách 100 người Trung Quốc bị truy nã đỏ.

Theo The Paper, không có hiệp ước dẫn độ nào giữa Singapore và Trung Quốc, do đó Lý Hoa Ba đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bỏ trốn. Cuộc "hồi hương" thành công của Lý là "rất điển hình" về phương thức truy đuổi, cơ chế làm việc và hợp tác quốc tế.

cuc truong tai chinh o trung quoc nghien danh bac coi cong quy nhu ket sat trong nha 01
Lý Hoa Ba được đưa về Trung Quốc vào năm 2015. Ảnh: The Paper

Huyện Bà Dương thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, là một trong những huyện nghèo cấp quốc gia. Trước khi bỏ trốn, Lý Hoa Ba là Cục trưởng cục Tài chính nơi này. Ông đã thông đồng với cấp dưới tạo ra nhiều chứng từ, con dấu giả để biến thủ hơn 94 triệu NDT (hơn 338 tỷ đồng) tiền công quỹ từ năm 2006-2011, tương đương 1/4 doanh thu tài khóa hàng năm của quận nghèo khó này, là trường hợp điển hình của những quan chức nhỏ nhưng tham nhũng khổng lồ.

Lý Hoa Ba bản chất là một người nghiện cờ bạc và đã tiêu rất nhiều tiền vào việc đánh bạc ở Ma Cao.

"Sau 1 lần đến đó (sòng bạc) tôi bắt đầu thấy nghiện. Quả thực rất liều lĩnh. Lấy tiền công quỹ đi đánh bạc xong thua, thua rồi lại quay về biển thủ công quỹ tiếp, cư như lấy tiền trong két sắt nhà mình vậy", Lý Hoa Ba chia sẻ trong phim tài liệu "Vĩnh viễn trên con đường".

Theo hồ sơ do Văn phòng Công tố Ma Cao cung cấp, Lý Hoa Ba đã mất tới 34 triệu đô la Hong Kong (gần 100 tỷ đồng) trong các sòng bạc ở Ma Cao.

cuc truong tai chinh o trung quoc nghien danh bac coi cong quy nhu ket sat trong nha 02
Lý Hoa Ba liên tục biến thủ công quỹ sau mỗi lần thua bạc. Ảnh: CCTV

Lý Hoa Ba hiểu rõ mình đã phạm tội nặng nên đã tính đường bỏ trốn. "Thành thật mà nói, tôi sợ và muốn trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Tôi đã tìm hiểu thông tin và cho rằng nếu có thể đến một quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc thì sẽ an toàn hơn. Tôi đã nghĩ vậy vào thời điểm đó", ông cho hay.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Lý thông qua các đường dây tài chính ngầm để vận chuyển hơn 30 triệu NDT tới Singapore. Đồng thời, Lý cũng nhờ một số cá nhân để có được thị thực thường trú ở Singapore. Sau khi mọi việc hoàn tất, Lý Hoa Ba cùng cùng gia đình bay đến Singapore vào tháng 1/2011.

"Thâm tâm tôi nghĩ rằng rời khỏi đất nước rồi sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra", cựu Cục trưởng Tài chính huyện Bá Dương chia sẻ.

Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau khi bỏ trốn, Lý Hoa Ba bất ngờ bị cảnh sát Singapore bất ngờ tạm giữ anh ta và phong tỏa toàn bộ tài sản của ông tại nước này.

Lý Hoa Ba không biết rằng ngay sau khi bỏ trốn đã bị Trung Quốc phát lệnh truy nã đỏ thông qua Interpol. Trung Quốc cũng gửi cho Singapore đầy đủ bằng chứng liên quan về việc Lý chuyển tiền biến thủ qua biên giới và giả mạo tài liệu đăng ký nhập cư.

"Khi đó, tôi vẫn còn ảo tưởng rằng Trung Quốc và Singapore vẫn chưa có hiệp ước dẫn độ. Luật sư nói rằng tôi không phải lo lắng vấn đề này, bởi luật pháp giữa Singapore và Trung Quốc hoàn toàn khác nhau”, Lý kể lại.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cho biết, mặc dù không có hiệp ước dẫn độ nhưng điều đó không có nghĩa là không còn lựa chọn nào khác.

"Trong vụ án này, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ở Singapore để truy tố Lý Hoa Ba ở Singapore. Bởi chuyển tài sản bất hợp pháp sang Singapore nên ông ấy cũng vi phạm luật pháp sở tại và cấu thành tội rửa tiền. Một vụ kiện hình sự đã được đệ trình chống lại Lý ở Singapore, thế rồi ông ấy mất tư cách thường trú và bị trục xuất về Trung Quốc theo luật định", Hoàng Phong, Viện trưởng viện Luật Hình sự Quốc tế, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho hay.

Tháng 8/2013, Lý Hoa Ba bị kết án 15 tháng tù tại Singapore. Sau khi mãn hạn, ông này được đưa về Trung Quốc. Đến tháng 1/2017, Lý Hoa Ba bị Tòa án nhân dân Thượng Nhiêu (tỉnh Giang Tây) tuyên án chung thân.

Hoa Vũ (Theo The Paper)

xe.nguoiduatin.vn