Kết thúc quý I/2023, nợ xấu tại các ngân hàng hiện ở mức nào?

2023-05-17 08:30:00
Nợ xấu đồng loạt tăng tại phần lớn các ngân hàng trong quý đầu năm 2023, trong đó MBBank là 8.452 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm, BIDV tăng hơn 40% lên 24.730 tỷ đồng, Eximbank tăng 30%.

Thông tin trên tạp chí Hải Quan, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng đã tăng lên mức 2,9% vào cuối quý I/2023 so với mức 2% vào cuối năm 2022. Đa số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng và tỷ lệ dự phóng rủi ro giảm so với quý trước.

no xau tai cac ngan hang hien ra sao
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của một số ngân hàng tăng lên. Nguồn: Haiquanonline

Kết quả từ báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, nhiều ngân hàng tăng mạnh về nợ xấu lên tới 50-70%. 

Tương tự, theo VietnamPlus, ngân hàng MBBank cũng đang đối mặt với nợ xấu tăng mạnh. Tại thời điểm 31/3/2023, tổng nợ xấu của MB là 8.452 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm, đặc biệt nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của MB bị kéo lên tới 1,75%, trong khi tại thời điểm cuối năm 2022 chỉ là 1,09%.

Tại ngân hàng Eximbank, nợ xấu tính tới cuối quý I/2023 tăng 30%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,8% cuối năm ngoái lên mức 2,3% cuối tháng 3/2023.

Còn tại ABBank, chất lượng nợ vay đi lùi khi tổng nợ xấu tại thời điểm 31/3 ghi nhận hơn 3.198 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 2,88% đầu năm tăng lên 4,03%.

Một trong 4 “ông lớn” ngân hàng là BIDV cũng ghi nhận nợ xấu nội bảng tăng hơn 40% lên 24.730 tỷ đồng. Trong đó nợ nhóm 3 tăng 127%; nợ nhóm 4 tăng 59% và nợ nhóm 5 tăng 13%.Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%.

Ngoài ra, tại Vietcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này đã tăng từ mức 319% hồi đầu năm lên gần 321% tại thời điểm kết thúc quý 1, tức với mỗi 100 đồng nợ xấu, ngân hàng có 321 đồng dự phòng rủi ro. Đây cũng là mức bao phủ cao nhất ngành ngân hàng hiện nay.

Trong số 27 ngân hàng được khảo sát, chỉ có ngân hàng SeABank có tỷ lệ nợ xấu đi ngang, giữ ở mức 1,6%.

5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm là LPBank, KienlongBank, PGBank, VietABank, Techcombank. 3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ thấp dưới 1% là ACB (0,98%), Vietcombank (0,85%), BacABank (0,57%), dù tỷ lệ này có tăng nhẹ so với hồi cuối năm 2022.

Đáng chú ý, các chuyên gia của FIDT cho hay, nợ xấu mới hình thành trong quý I ở mức cao nhất 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, các ngân hàng không mạnh tay xử lý như giai đoạn quý IV/2022 dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% lên 1,9% trong quý I/2023, thông tin trên báo Lao động.

Theo ThS. Mạnh Thị Thu Hiền, khi nợ xấu gia tăng đồng nghĩa với nguồn vốn đầu tư sẽ bị đóng băng, không có khả năng thu hồi. Nguồn vốn cho vay không có khả năng thu hồi được thì khả năng thanh toán chắc chắn sẽ giảm. Khủng hoảng trong thanh toán chính là nguyên nhân dễ dẫn đến sự phá sản của các ngân hàng.

no xau tai cac ngan hang hien ra sao 1
TS. Lê Bá Chí Nhân. Ảnh: Reatimes

Bên cạnh đó, TS. Lê Bá Chí Nhân nhận định, nợ xấu tăng cao sẽ ảnh hưởng liên ngân hàng và một số các lĩnh vực khác, thí dụ như vấn đề hiện nay là bất động sản đang có ảnh hưởng đến 11% GDP, đây là một trong những tác động lớn.

"Khi nợ xấu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến một số các lĩnh vực khác, thí dụ như vấn đề hiện nay là bất động sản đang có ảnh hưởng đến 11% GDP, đây là một trong những tác động lớn. Thứ hai, vấn đề những ngành nghề khác muốn phát hành trái phiếu để có dòng tiền sản xuất kinh doanh nhưng cũng đang bị ảnh hưởng ít nhiều từ những vấn đề đã xảy ra với tình trạng nợ trái phiếu không trả được của nhóm các doanh nghiệp bất động sản", tạp chí Reatimes dẫn lời TS. Lê Bá Nhân.

Cụ thể hơn, ông Nhân nhận định, khi ngân hàng chịu nợ xấu, sự ảnh hưởng của vấn đề này đến thị trường và nền kinh tế là rất lớn. Trong ngắn hạn, khi xảy ra nợ xấu, ngân hàng buộc sẽ phải trích quỹ, lúc này những cổ đông mua cổ phiếu trong ngân hàng đó hoặc những cổ đông chiến lược có thể sẽ rút ra. Như vậy, trong thời gian ngắn hạn sẽ ảnh hưởng với góc độ là dòng tiền và không chỉ một ngân hàng mà chuyển liên ngân hàng, có nghĩa ảnh hưởng tới hàng loạt các ngân hàng.

Ngân hàng trở nên khát vốn hơn, yếu tố này dẫn đến việc sẽ tăng lãi suất và họ sẽ rất cẩn trọng để cho vay những ngành nghề khác. Từ đó có thể ảnh hưởng đến vấn đề dòng tiền mà ngân hàng cho vay đối với những doanh nghiệp, kể cả đối với những cá nhân trong tương lai. Đây là một trong những yếu tố cần được quan tâm và xem xét, là một bài toán cần được giải quyết trong thời gian tới.

Vân Anh (T/h)