Một năm thử nghiệm tên lửa nhiều kỷ lục của Triều Tiên

Thứ 7, 28/01/2023 07:35

Trong năm 2022, Triều Tiên đã trực hiện hơn 90 vụ phóng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo và phô trương hàng loạt loại vũ khí của mình. Các chuyên gia cảnh báo diễn biến này có thể là tín hiệu về một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân sắp xảy ra.

Dù việc thử tên lửa không mới nhưng tần suất các vụ thử đã đánh dấu một sự leo thang đáng kể, cỏ thể đẩy khu vực Thái Bình Dương tới bờ vực căng thẳng.

Ankit Panda, một chuyên gia chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận xét: "Điều đáng chú ý trong năm 2022 là từ 'thử nghiệm' không còn phù hợp để nhắc về phần lớn các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, họ gần như không còn thử nghiệm tên lửa trong thời gian gần đây. Những gì chúng ta thấy trong năm qua là ông Kim Jong-un hoàn toàn nghiêm túc với việc sẽ sử dụng năng lực hạt nhân trong cuộc xung đột nếu cần thiết".

Các vụ phóng tên lửa này cũng có nguy cơ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á. Các quốc gia lân cận Triều Tiên cũng đã bắt đầu xây dựng các kho vũ khí và lực lượng quân sự của họ. Trong khi đó, Mỹ đã đưa ra cam kết hỗ trợ bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản bằng "toàn bộ khả năng".

Tần suất phóng tên lửa kỷ lục

Từ năm 1984 tới nay, Triều Tiên đã thực hiện hơn 270 vụ phóng thử tên lửa, 1/4 số vụ phóng thử đó đã diễn ra trong năm 2022, theo Dự án Phòng thủ Tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Ngoài ra, hơn 3/4 số vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo từ năm 2011 - phản ánh tham vọng của ông về việc phát triển lực lượng hạt nhân của đất nước với tốc độ "nhanh nhất có thể".

Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Quỹ Di sản, nhận xét: "Đối với thử nghiệm tên lửa, Triều Tiên đã lập kỷ lục hàng ngày, hàng tháng và hàng năm".

trieu tien phong ten lua
Triều Tiên phóng tên lửa với tần suất cao kỷ lục trong năm 2022. Ảnh: AFP 

Phần lớn, các thử nghiệm này bao gồm tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Trong đó, tên lửa hành trình sẽ bay bên trong bầu khí quyển của Trái đất và có thể cơ động với các bề mặt điều khiển, giống như máy bay, còn tên lửa đạn đạo lướt qua không gian trước khi quay trở lại bầu khí quyển.

Bình Nhưỡng cũng đã thực hiện các vụ phóng thử tên lửa đất đối không và tên lửa siêu thanh.

Ông Ankit Panda chỉ ra: "Triều Tiên đang thực sự nổi bật trong hoạt động điều hành các lực lượng tên lửa quy mô lớn".

Ông Panda đã đề cập tới những vụ phóng thử tên lửa mà Triều Tiên thực hiện trong năm 2022 để đáp trả các động thái của Mỹ và Hàn Quốc, bao gồm các cuộc tập trận chung giữa 2 quốc gia, và nói thêm: "Bất kỳ điều gì mà Mỹ và Hàn Quốc định làm, Triều Tiên đều chứng minh rằng họ có thể làm được những thứ tương tự".

Trong số những tên lửa thử nghiệm có tên lửa Hwasong-12, với khả năng bay xa hơn 4.500 km. Vào tháng 10/2022, tên lửa Hwasong-12 từng bay qua Nhật Bản. Một loại tên lửa đáng chủ ý khác là Hwasong-14, có phạm vi ước tính lên tới 10.000 km. Điều đó có nghĩa là các tên lửa này hoàn toàn có thể vươn tới lãnh thổ của Mỹ. Để so sánh, đảo Guam của Mỹ chỉ cách Triều Tiên khoảng 3.380 km. 

Đáng chú nhất phải kể tới vụ phóng thử tên lửa Hwasong-17 - tên lửa xuyên lục địa mạnh nhất của Triều Tiên đến thời điểm hiện tại. Về mặt lý thuyết, Hwasong-17 có thể vươn tới lục địa Mỹ. Dù vậy, vẫn còn nhiều điều chưa biết về tên lửa này, bao gồm khả năng mang đầu đạn hạt nhân của nó. 

Vào tháng 3/3022, Triều Tiên lần đầu tuyên bố phóng thử thành công tên lửa Hwasong-17. Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc cho rằng vụ phóng thử thực chất là một loại tên lửa lâu đời và kém hiệu quả hơn.

Hwasong-17 sau đó được phóng thử một lần nữa vào tháng 11 cùng năm. Thời điểm ấy, nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả gay gắt hơn đối với "những kẻ đang muốn phá huỷ nền hoà bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên và trong khu vực".

Nguy cơ hạt nhân

Từ đầu năm 2022, Mỹ và các nhà quan sát quốc tế đã cảnh báo về việc Triều Tiên chuẩn bị nối lại hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân, vốn đã tạm ngừng từ năm 2017. 

Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động mới tại bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, nơi nước này trước đó đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất. Họ tuyên bố vụ thử gần đây nhất là một quả bom hydro vào năm 2017, loại vũ khí mạnh nhất mà Bình Nhưỡng từng thử nghiệm.

thu nghiem vu khi hat nhan
Số vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tăng mạnh dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: CNN 

Vụ thử hạt nhân năm 2017 đó có năng suất ước tính là 160 kiloton (thước đo lượng năng lượng mà vụ nổ giải phóng).

Để so sánh, các vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống Hiroshima và Nagasaki, ở Nhật Bản, chỉ khoảng 15 và 21 kiloton. Tuy nhiên, Mỹ và Nga từng thực hiện các cuộc thử nghiệm nổ mạnh nhất trong lịch sử, với sức công phá lên tới 10.000 kiloton.

Không rõ chính xác Triều Tiên hiện sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính Bình Nhưỡng có thể đã lắp ráp 20 đến 30 đầu đạn hạt nhân – nhưng khả năng kích nổ chúng một cách chính xác trên chiến trường vẫn chưa được chứng minh.

Minh Hạnh (Theo CNN) 

xe.nguoiduatin.vn