Mới đây, vụ việc người mẹ để con trai mới 8 tháng tuổi tự ăn chiếc bánh bao nhỏ khiến đứa nguy kịch đang khiến cộng đồng mạng Trung Quốc bàn tán xôn xao.
Theo đó, cô Lý đến từ thành phố Tháp Hà, tỉnh Hà Nam trong lúc bế con trai 8 tháng tuổi đã vô tư đưa cho con một chiếc bánh bao hấp cỡ bằng lòng đỏ trứng gà để con tự ăn.
Chỉ sau đó 2 phút, cậu bé lập tức có biểu hiện bủn rủn chân tay, môi tím tái, không thể thở được. Quá sợ hãi, cô Lý vội vàng đưa con đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu.
Các bác sĩ cho biết dù họ đã nhanh chóng gắp ra một số mảnh bánh bao từ trong khí quản nhưng những mảnh kẹt ở trong lá phổi lại không thể dùng dụng cụ bình thường lấy ra được. Trong quá trình này, bé trai đã bị ngạt suốt 3 tiếng đồng hồ.
Sau đó, em được gia đình đưa đến Bệnh viện nhi tỉnh Hà Nam để phẫu thuật. Dù vậy, do ngạt thở kéo dài, sau ca phẫu thuật, bé vẫn chưa tỉnh lại và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Tính đến nay, đứa trẻ đã hôn mê được 9 ngày.
Qua chuyện này, bác sĩ nhắc nhở, khi cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bạn phải chú ý không được cho bé ăn thức ăn quá lớn, cố gắng dùng thức ăn lỏng và thức ăn sệt làm thức ăn chính, đặc biệt không nên cho bé ăn các loại thức ăn nguyên hạt, bởi những loại thức ăn này dễ gây cản trở khí quản, dẫn đến nghẹt thở.
Cách sơ cứu trẻ nhỏ bị ngạt thở, tắc đường thở
Nguyên tắc sơ cứu chung là phải nhanh chóng lấy ngay dị vật ra khỏi mũi, miệng trẻ để làm thông đường thở. Tùy thuộc vào từng lứa tuổi của trẻ để thực hiện các kỹ thuật sơ cứu hóc nghẹn, tắc đường thở như:
- Đối với trẻ sơ sinh, ngay tức thì để trẻ nằm sấp dọc cánh tay của người sơ cứu; để đầu trẻ thấp hơn ngực. Dùng bàn tay đỡ đầu và vai của trẻ, bàn tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ đến khi dị vật được bắn ra ngoài.
Chú ý không được vỗ quá mạnh có thể làm tổn thương cho trẻ. Trường hợp trẻ bị sặc nước, sữa, bột ăn; người lớn cần nhanh chóng ngậm miệng vào vào mũi trẻ và hút thật mạnh để làm thông đường thở cho trẻ. Nếu thực hiện kỹ thuật trên không có hiệu quả, trẻ bị bất tỉnh, phải làm kỹ thuật hà hơi thổi ngạt bằng miệng-mũi hoặc miệng-miệng để cố gắng thổi dị vật làm cản trở đường thở của trẻ.
- Đối với trẻ nhỏ, người sơ cứu phải ngồi hoặc quỳ xuống, đặt trẻ nằm sấp trên đùi để đầu trẻ thấp hơn vai. Dùng bàn tay vỗ nhiều lần vào lưng giữa hai vai của trẻ cho đến khi dị vật được bắn ra ngoài. Nếu không có kết quả, trẻ trở nên bất tỉnh, phải làm hô hấp nhân tạo.
- Đối với trẻ lớn, bảo trẻ cúi người ra phía trước để đầu thấp hơn ngực; lấy tay móc trong miệng trẻ, tạo phản xạ để trẻ nôn dị vật ra. Cũng nên khuyến khích trẻ ho để dị vật bắn ra ngoài.
Nếu trẻ không thể ho, vật cản dính chắc ở đường thở; người sơ cứu dùng gốc bàn tay vỗ mạnh vài lần vào lưng giữa hai bên sườn của trẻ để dị vật bắn ra ngoài. Cũng có thể người sơ cứu ở vị trí sau lưng của trẻ, dùng hai bàn tay nắm lại ở dưới xương ức trẻ rồi đột ngột thúc ngược nắm tay ra sau và hướng lên trên; động tác này có thể làm dị vật lạ bị đẩy lên miệng và trẻ có thể ho ra được.
Người sơ cứu cũng có thể luân phiên thực hiện kỹ thuật vỗ phía sau lưng và ép bụng phía trước của trẻ để dị vật được tống ra ngoài. Nếu trẻ trở nên bất tỉnh, phải tiến hành hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt miệng-miệng hoặc miệng-mũi để cố gắng thổi dị vật ra khỏi đường thở.
Nếu thực hiện các kỹ thuật sơ cứu không có hiệu quả, không thể làm dị vật thoát ra khỏi đường thở, trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm như không thể ho hoặc phát ra thành tiếng, môi và lưỡi bắt đầu tím tái, mạch máu ở mặt và cổ bắt đầu nổi lên; trẻ trở nên bất tỉnh, hôn mê... phải cần chuyển trẻ đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Mọi sự chậm trễ sẽ có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Linh Chi (T/h)