Phát hiện hàng loạt vi phạm tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Bộ GD&ĐT nói gì?

2022-05-09 08:08:08
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2015-2017, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội còn nhiều sai phạm.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015-2017.

Theo đó, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) còn nhiều hạn chế, khuyết điểm về tuyển sai quy trình, chương trình và quản lý đào tạo.

Về vấn đề này, PGS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) cho rằng, thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ gồm rất nhiều nội dung.

Liên quan đến đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, thông báo đã chỉ ra: "Công tác tuyển sinh, đào tạo, quản lý đào tạo từ năm 2017 đến nay cơ bản thực hiện theo các quy định của Nhà nước" và "Trước năm 2017, công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn nhiều khuyết điểm, sai phạm (từ năm 2017 đến nay đã cơ bản được khắc phục)". Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ vẫn kiến nghị: "Yêu cầu Học viện Khoa học xã hội bổ sung đầy đủ quy trình đào tạo".

vien han lam khoa hoc viet nam
Trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet.

Bà Thủy cho biết, năm 2021, bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 và Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021. Các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nói chung và Học viện Khoa học xã hội nói riêng có trách nhiệm xây dựng quy chế, quy trình đào tạo căn cứ vào 2 văn bản hướng dẫn này, đồng thời đảm bảo các yêu cầu tối thiểu quy định tại các quy chế.

Từ năm 2017 đến nay, Học viện Khoa học xã hội đã được thanh tra, kiểm tra bởi 3 cơ quan chức năng: bộ GD&ĐT, Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ; do vậy, công tác tuyển sinh và đào tạo của Học viện thường xuyên được chỉ đạo, chấn chỉnh theo hướng đảm bảo đúng quy định và ngày càng cải tiến chất lượng. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, làm việc trực tiếp với Học viện Khoa học xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để làm rõ các nội dung liên quan.

Song song với việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, bộ GD&ĐT vẫn triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cùng các bên liên quan giám sát việc thực hiện và giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Bộ luôn đánh giá cao quá trình giám sát, phản ánh và phản biện của xã hội, của cộng đồng khoa học, theo Giáo dục Việt Nam.

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2015-2017, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội còn nhiều hạn chế, khuyết điểm về tuyển sinh, quy trình, chương trình và quản lý đào tạo.

Cụ thể, nhiều vi phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra như: quy trình đào tạo thạc sĩ thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, điều kiện bảo vệ luận văn, thâm niên công tác, thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn; không ban hành chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu của từng ngành. Học viện không xây dựng kế hoạch chi tiết dự kiến chỉ tiêu từng ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Thông báo tuyển sinh trình độ tiến sĩ không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn. Thông báo tuyển sinh trình độ thạc sĩ không quy định về số năm kinh nghiệm tối thiểu,...

Đáng chú ý, chương trình đào tạo thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành; còn trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian; học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác. Thậm chí giảng viên không đủ điều kiện tham gia Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ.

Cơ quan thanh tra cũng nêu ra những khuyết điểm như: số nghiên cứu sinh quá hạn thời gian đào tạo còn nhiều; một số hồ sơ xét tuyển hồ sơ tiến sĩ không cho điểm đánh giá hồ sơ; hồ sơ học viên không có lý lịch khoa học của người hướng dẫn; có học viên không có phiếu đăng ký xét tuyển, bản sao các bài báo khoa học đã công bố; có nghiên cứu sinh đề xuất đề tài nghiên cứu không nằm trong danh mục nghiên cứu. Sổ cấp phát văn bản còn tẩy xóa, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh.

Về quản lý khoa học, theo kết luận, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ban hành các quy chế quản lý khoa học nhưng nội dung còn nhiều bất cập, không hợp lý, dẫn đến các đơn vị cấp dưới không tiếp thu kịp thời, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Quy trình thực hiện nhiều đề tài không đúng quy định của Luật khoa học và công nghệ, quy chế quản lý khoa học, theo Vietnamnet.

Linh Chi (T/h)