Trên thực thế, căn bếp là nơi nguy hiểm hơn chúng ta biết rất nhiều. Không chỉ bởi những dụng cụ sắc nhọn, nguy cơ cháy nổ mà còn tiềm ẩn nhiều tác nhân gây bệnh tật, bao gồm cả ung thư.
Điều quan trọng là đôi khi chúng ta còn không nhận ra chúng hoặc vì tiết kiệm mà bỏ qua, dẫn tới phải trả những cái giá rất đắt. Trong đó có 5 thứ trong bếp nếu giữ lại vừa ảnh hưởng tới hương vị món ăn còn tự rước bệnh tật vào người:
1. Thớt xước nhiều, bị nấm mốc
Bác sĩ chuyên khoa thận, đồng thời là Giám đốc Trung tâm chống độc lâm sàng Linkou Chang Gung ở Đài Loan (Trung Quốc) Yan Zonghai khuyên nên sớm vứt bỏ các loại thớt bị xước nhiều hoặc nấm mốc. Đặc biệt là với thớt gỗ. Vì chúng khó làm sạch, nấm mốc, gây ảnh hưởng tới món ăn. Thớt gỗ còn nguy hiểm hơn, vì nấm mốc có thể sản sinh Aflatoxin gây ung thư, ảnh hưởng sức khỏe khi tiếp tục sử dụng.
2. Hộp nhựa dùng quá lâu, có màu hay mùi lạ
Hộp nhựa có thể giải phóng hóa chất độc hại như BPA, nhất là khi đựng thức ăn nóng hoặc dùng trong lò vi sóng. Các loại hộp nhựa kém chất lượng càng nguy hiểm hơn. Dù là hộp tốt, cũng nên thay mới sau 1 - 2 năm hoặc khi có dấu hiệu bất thường như màu sắc hay mùi lạ, bị cong vênh… tránh để chất độc ngấm vào thực phẩm và giảm chức năng bảo quản, dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
3. Dụng cụ chống dính bị trầy xước, bong tróc
Ngày nay, các dụng cụ nấu nướng như nồi, chảo, thìa… chống dính rất phổ biến. Nhưng khi chúng bị trầy xước hoặc bong tróc dù nhỏ thì nên vứt bỏ ngay.
Nghiên cứu từ Đại học Newcastle và Đại học Flinders (Australia) cho thấy, chỉ 1 vết xước nhỏ trên chảo chống dính có thể giải phóng khoảng 9.100 hạt nhựa trong quá trình nấu. Nếu lớp chống dính bị hỏng, kích thước từ vài milimet trở lên, sẽ giải phóng 2,3 triệu hạt vi nhựa, nhựa nano và có khả năng xâm nhập vào thực phẩm. Lớp chống dính làm từ PTFE, khi hỏng hoặc nấu ở nhiệt độ cao, có nguy cơ phát tán hóa chất độc hại, tăng rủi ro ung thư, béo phì và giảm khả năng sinh sản.
4. Đũa bị nấm mốc, nhất là đũa tre và đũa gỗ
Giống như với thớt, nhiều người tiết kiệm hoặc chủ quan sẽ tiếp tục rửa sạch, luộc/hấp các loại đũa bị nấm mốc để dùng tiếp. Tuy nhiên, Giáo sư Li Zhengda nhấn mạnh việc này không thể loại bỏ nấm mốc hay vi khuẩn. Đặc biệt là với đặc biệt là độc tố aflatoxin gây ung thư trong đũa tre và đũa gỗ mốc. Nên thay đũa định kỳ 3 - 6 tháng hoặc khi có dấu hiệu hư hỏng. Khi rửa đũa, dùng miếng rửa bát chuyên dụng để làm sạch từng chiếc một thay vì rửa cả nắm hay chỉ lăn qua lăn lại trên tay.
5. Khăn lau, giẻ rửa bát dùng lâu ngày
Ở nhiều hộ gia đình, khăn lau hay giẻ rửa bát đĩa có thể sử dụng lâu dài mà không chịu thay thế cho đến khi hư hỏng. Nhưng chúng lại rất dễ sinh vi khuẩn, nấm mốc do tiếp xúc với nước, thức ăn thừa. Nhất là với chất liệu bọt biển và xơ mướp. Giáo sư Li Zhengda của Đại học Khoa học và Công nghệ Fuying (Đài Loan, Trung Quốc) cảnh báo chúng có thể chứa hơn 300 loại vi khuẩn, bẩn hơn cả bồn cầu sau 2 ngày không giặt. Để đảm bảo an toàn, nên thay giẻ mỗi tháng, còn khăn lau cần giặt sạch, phơi nắng và thay sau 1 - 3 tháng hoặc khi có dấu hiệu bất thường.
Nguồn và ảnh: TOPick, Family Doctor
Ngọc Ái