Viện nghiên cứu Lowy (Australia) mới đây đã có bài phân tích chính sách kinh tế của bà Kamala Harris, căn cứ theo các nội dung được đề cập trong chiến dịch tranh cử của bà.
Thuế quan và chính sách công nghiệp
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ gần như duy trì hầu hết các mức thuế quan mà cựu Tổng thống Donald Trump thiết lập đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và áp dụng thêm một số mức thuế khác. Mặc dù ông Joe Biden cũng đã xem xét tạm dừng một số mức thuế, nhưng hầu hết các động thái chính sách đều theo hướng ngược lại.
Năm 2022, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) đã được thông qua, cung cấp 370 tỷ USD cho các ưu đãi thuế và trợ cấp chủ yếu nhắm vào năng lượng tái tạo. Cùng năm đó, Tổng thống Biden cũng gia hạn thuế đối với tấm pin Mặt trời nhập khẩu. Tiếp theo vào tháng 5/2024, Tổng thống Biden đã tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc lên 100% và mở rộng áp thuế đối với các hàng hóa khác của Trung Quốc.
Chính quyền tiềm năng trong trường hợp bà Kamala Harris đắc cử có thể sẽ tiếp tục sử dụng thuế quan (chủ yếu là đối với Trung Quốc) để giải quyết những gì Mỹ coi là cạnh tranh không lành mạnh và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải của Mỹ.
Các chính sách dựa trên “chủ nghĩa dân tộc công nghệ” cũng có khả năng sẽ tiếp tục triển khai, mặc dù có lẽ ít gay gắt hơn so với thời kỳ cựu Tổng thống Trump. Điều này sẽ khiến các quốc gia khác khó đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng của họ hơn vì các ngành công nghiệp trong nước sẽ bị các dự án lớn hơn được Hoa Kỳ trợ cấp lấn át.
Chính sách công nghiệp tập trung vào môi trường cũng có khả năng sẽ tiếp tục được duy trì dưới thời chính quyền Harris.
Hiện nay, chính phủ Mỹ đang theo đuổi các chính sách giảm phát thải khí nhà kính. Đạo luật IRA chỉ toàn là “củ cà rốt” mà không có bất kỳ “cây gậy” nào, nhằm cung cấp trợ cấp và ưu đãi thuế cho các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo. Trong khi ông Trump sẽ phải vật lộn để “đảo ngược” IRA, thì bà Harris sẽ đảm bảo cho đạo luật này. Với sự quan tâm của bà Harris đối với vấn đề việc làm và môi trường của Mỹ, bà có thể tăng cường sử dụng các chính sách công nghiệp.
Bà Harris đã chỉ trích gay gắt chính sách thuế nhập khẩu toàn diện của ông Trump (được ông tuyên bố có thể lên tới 20%). Nhận ra tác động của thuế quan đối với các gia đình Mỹ, chính quyền của bà Harris có thể sẽ cân nhắc hơn khi sử dụng các chính sách này như một vũ khí kinh tế, đặc biệt là để chống lại chính các đồng minh. Tuy nhiên, việc bà Harris có giảm mức thuế quan hiện nay hay không thì vẫn còn phải chờ xem.
Thương mại được xem như “vật tế thần”
Trong quá khứ, Nhật Bản từng bị cáo buộc là đã tiến hành can thiệp giá làm suy yếu ngành sản xuất của Mỹ, và tương tự như vậy, sự hình thành của Liên minh châu Âu (EU) cũng được coi là tạo nên “pháo đài châu Âu”. Bây giờ đến lượt Trung Quốc, nhưng thông qua vai trò trung tâm của mình trong nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, nước này có sức mạnh kinh tế lớn hơn đáng kể so với Nhật Bản hoặc EU từng có.
Giới chức Washington cho rằng nguyên nhân gây thâm hụt tài khoản vãng lai và sự suy yếu của tầng lớp trung lưu là do các đối tác thương mại, chủ yếu là Trung Quốc. Những lo ngại này ngày càng bị liên kết với vấn đề an ninh quốc gia, khi Tổng thống Joe Biden cáo buộc Trung Quốc tìm cách làm suy yếu năng lực quân sự của Mỹ bằng cách cạnh tranh để giành việc làm trong ngành sản xuất.
Mặc dù một số cáo buộc cho rằng thương mại và tăng trưởng của Trung Quốc đã thúc đẩy quá trình thay đổi cơ cấu kinh tế ở Mỹ có phần đúng, nhưng sự suy giảm của ngành sản xuất Mỹ cũng là điều không thể tránh khỏi do quá trình robot và tự động hóa.
Việc đổ lỗi cho thương mại quốc tế và Trung Quốc không giúp nền kinh tế cũng như an ninh của Mỹ tốt hơn. Sự bảo hộ cũng không giúp giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, vì xu hướng thâm hụt này phản ánh nhiều hơn tình trạng chi tiêu trong nước cao và tiết kiệm thấp. Thâm hụt ngân sách trong nước cũng đóng một vai trò quan trọng.
Bà Harris có thể sẽ có thái độ mềm mỏng hơn khi đề cập tới sự đảo ngược quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, nhưng hướng đi này của Mỹ cũng khó có thể thay đổi.
Mỹ sẽ tiếp tục duy trì một “bức tường cao” đối với các ngành công nghiệp mà họ coi là chiến lược, bao gồm cả việc trừng phạt các đối tác thương mại nếu họ xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm về mặt quân sự (“mang tính lưỡng dụng”) cho Trung Quốc. Giống như IRA, hạn chế quyền tiếp cận công nghệ năng lượng sạch có chi phí thấp nhất, chính sách của Mỹ áp đặt chi phí cho phần còn lại của thế giới.
Quán tính thương mại
Ngoài việc đóng vai trò là một “vật tế thần” hữu ích, thương mại có ít sức hút chính trị ở Mỹ. Trong khi cựu Tổng thống Barack Obama thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì TPP không được ứng cử viên Hillary Clinton ủng hộ trong cuộc bầu cử năm 2016 và ông Trump đã chính thức rút lui khỏi hiệp định này khi lên nắm quyền.
Năm 2022, Tổng thống Biden giới thiệu Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) để thúc đẩy hợp tác giữa 14 quốc gia châu Á (nhưng không có Trung Quốc) trên 4 trụ cột: chuỗi cung ứng, nền kinh tế sạch, nền kinh tế công bằng và thương mại.
Tuy nhiên, vào tháng 11/2023, Mỹ hủy bỏ trụ cột thương mại vì lo ngại rằng bất kỳ nhượng bộ nào cũng sẽ gây tổn hại đến người lao động Mỹ. Bà Kamala Harris không nói gì cụ thể về IPEF, nhưng chính quyền của bà khó có thể coi đây là ưu tiên hàng đầu, xét theo mức độ quan tâm của đương kim phó Tổng thống. Bà Harris đã từng bày tỏ sự hoài nghi về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), phiên bản sửa đổi dưới thời ông Trump được gọi là Hiệp định Mỹ - Mexico-Canada (USMCA) và cả TPP.
Về nhu cầu cấp thiết phải cải cách cấu trúc thương mại toàn cầu, cũng không nên mong đợi nhiều từ chính quyền Mỹ nếu bà Harris đắc cử. Tổng thống Joe Biden tiếp tục từ chối chấp thuận việc bổ nhiệm các thẩm phán vào Cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bất chấp cuộc gọi chúc mừng năm 2021 của bà Harris tới Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala và thỏa thuận hợp tác cải cách WTO, hiện vẫn chưa có nhiều tiến triển được ghi nhận. Đây không phải dấu hiệu tốt cho nỗ lực khôi phục chức năng tư pháp của WTO và cải cách các quy tắc quốc tế liên quan đến thương mại và đầu tư.
Lưu Bình