Cùng ngày, Musk cũng sa thải ít nhất bốn lãnh đạo cấp cao của Twitter, trong đó có giám đốc điều hành và giám đốc tài chính. Trước đó hôm 26/10, ông tới trụ sở Twitter ở San Francisco (Mỹ), gặp gỡ các kỹ sư và lãnh đạo.
Các lãnh đạo Twitter bị sa thải gồm giám đốc điều hành Parag Agrawal, giám đốc tài chính Ned Segal, giám đốc tư pháp và chính sách Vijaya Gadde, tổng cố vấn Sean Edgett, theo các nguồn tin. Ít nhất một trong số các lãnh đạo cấp cao bị sa thải đã bị đưa ra khỏi văn phòng của Twitter.
Việc hoàn tất quá trình mua lại Twitter, sau nhiều tháng hai bên đấu khẩu và thách thức pháp lý, khiến nền tảng mạng xã hội này rơi vào mơ hồ về tương lai, theo New York Times.
Tỷ phú Elon Musk từng tuyên bố ông muốn biến Twitter thành nơi cởi mở hơn với tất cả các dạng bình luận, và sẽ "dỡ bỏ lệnh cấm vĩnh viễn" đối với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cách tiếp cận mở của Elon Musk có thể sẽ ảnh hưởng tới các vấn đề của Twitter như nội dung độc hại, sai sự thật. New York Times nhận định những thử thách đầu tiên sẽ tới ở cuộc bầu cử tổng thống Brazil và bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Twitter từng cam kết sẽ cấm mọi thông tin gây hiểu nhầm về bỏ phiếu và kết quả bầu cử, nhưng đó là trước khi Musk sở hữu nền tảng này.
Tỷ phú người Mỹ cũng hứa hẹn sẽ mang tới những thay đổi sâu rộng tại Twitter, bao gồm các lãnh đạo mới, cắt giảm nhân sự và các phương án tăng doanh thu mới. Twitter có khoảng 7.500 nhân viên, hiện được cho là đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quảng cáo và thu hút người dùng mới. Việc sa thải các lãnh đạo cấp cao của Twitter cho thấy Musk muốn những thay đổi nhanh chóng.
Musk sẽ có thể đưa ra những thay đổi tại Twitter mà không cần công bố thông tin về hoạt động của nền tảng này. Bẳng cách chuyển đổi công ty thành tư nhân, Musk không cần phải thường xuyên trả lời các cổ đông, đồng thời cũng có thể thay đổi các dịch vụ mà Twitter cung cấp mà không bị công chú chú ý.
Việc Musk hoàn tất thỏa thuận mua Twitter được coi là chiến thắng cho ban lãnh đạo công ty. Thời điểm Musk đồng ý trả 54,2 USD cho mỗi cổ phiếu Twitter hồi tháng 04, công ty từng bị chỉ trích vì đưa ra mức giá quá thấp.
Tuy vậy, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế xảy ra trong những tháng tiếp theo, giá cổ phiếu của Twitter đã sụt giảm, đồng nghĩa với việc mức giá kể trên được coi là thắng lợi đối với các cổ đông. Ban lãnh đạo Twitter đã có nhiều động thái pháp lý để buộc Musk phải làm theo thỏa thuận ban đầu.
Musk, một trong những người dùng hoạt động năng nổ nhất của Twitter với hơn 109 triệu người theo dõi, hồi đầu năm đã bắt đầu mua cổ phiếu công ty. Tới tháng 04, ông đạt thỏa thuận mua Twitter với giá 44 triệu USD, tuyên bố ông sẽ dỡ bỏ nhiều chính sách kiểm soát nội dung, loại bỏ spam, bổ sung các tính năng mới và minh bạch hơn về thuật toán được sử dụng để quảng bá nội dung.
Musk cũng từng nói về những mục tiêu tham vọng với Twitter, bao gồm ý định biến Twitter thành một "ứng dụng toàn năng" tên là X. Khi công bố các kế hoạch với giới đầu tư hồi mùa Xuân, Musk nói ông ước tính Twitter sẽ đạt doanh thu 26,4 tỷ USD và 931 triệu người dùng vào năm 2028. Công ty này năm ngoái có doanh thu 5,08 tỷ USD, với hơn 200 triệu người dùng nền tảng mạng xã hội.
Musk từng úp mở việc cắt giảm nhân sự để hạn chế chi phí vận hành Twitter. Trong những ngày gần đây, công ty đã có động thái trấn an nhân sự, đề nghị họ bỏ qua thông tin mà báo chí đăng tải về việc cắt giảm.
Hoạt động của Twitter sẽ là rất quan trọng, trong bối cảnh Musk phải cân bằng giữa đầu tư vào tương lai của nền tảng này và trả lãi từ khoản vay 12,5 tỷ USD mà ông buộc phải thực hiện để mua công ty. Giới phân tích đã đặt câu hỏi liệu Twitter có thể chia sẻ gánh nặng trả lãi cho Musk hay không, đặc biệt khi lợi nhuận của công ty có thể không ổn định.
Giới quảng cáo có thể sẽ ngại làm ăn với Musk, sau khi ông chỉ trích quảng cáo trên Twitter và tuyên bố cần tìm một nguồn doanh thu mới. Một số nhà quảng cáo cũng lo ngại việc các nhãn hàng xuất hiện bên cạnh nội dung rủi ro mà Musk đã nói sẽ cho phép xuất hiện trên Twitter. Một số nhà quảng cáo khác sẽ lựa chọn Facebook hoặc TikTok thay vì Twitter.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)