“Sát thủ thầm lặng” phá hủy lá gan
Kết quả cuộc điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 do Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện cho thấy tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao. Theo thống kê, năm 2021 có tới 64% nam giới và 10% nữ giới hiện có thói quen uống rượu bia. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống rượu bia đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống rượu ở mức nguy hại.
Theo các chuyên gia, rượu được ví như “sát thủ thầm lặng” gây hại gan. Việc thường xuyên uống rượu khiến cho gan bị quá tải, có thể gây ngộ độc tế bào gan. Về lâu dài, gan sẽ bị xơ hóa, suy giảm hoặc mất chức năng.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.V.A (60 tuổi, Sơn La). Bệnh nhân đi khám trong tình trạng mệt mỏi, nước tiểu màu vàng đậm.
Trước đó 5 năm, ông A đã được chẩn đoán xơ gan nhưng do không thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường nên ông chủ quan không điều trị và không tuân thủ tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Dù được bác sĩ cảnh báo việc uống rượu bia sẽ khiến cho tình trạng xơ gan thêm nặng nề tuy nhiên bệnh nhân vẫn không thay đổi thói quen.
Theo ông A, bữa ăn không có rượu sẽ "kém ngon, phải có một chút cay cay mới đưa cơm". Do đó, ông A vẫn luôn duy trì thói quen uống rượu. Mỗi ngày, ông vẫn duy trì uống 500ml rượu.
Theo TS.BS Ngô Chí Cương, nguyên bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec, kết quả khám cho thấy chỉ số men gan trong máu của bệnh nhân A tăng ở mức báo động, bệnh nhân bị xơ gan mất bù kèm theo dịch ổ bụng. Bệnh nhân còn có kết quả dương tính với viêm gan B.
TS.BS Ngô Chí Cương cho biết bệnh nhân có tiền sử mắc xơ gan nhưng không điều trị, cộng thêm việc thường xuyên uống rượu bia nên đã khiến bệnh tiến triển thành xơ gan mất bù trầm trọng. Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc viêm gan B mạn tính kèm theo. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như: Suy gan cấp và mạn tính, hôn mê gan, thậm chí là tử vong nếu không được ghép gan.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam cho hay, gan đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Chức năng gan suy yếu sẽ ảnh hưởng tới tất cả các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là chức năng tiêu hóa. Khi chức năng gan suy giảm, nếu người bệnh tiếp tục uống rượu bia thì có thể gây ngộ độc gan và dẫn đến tình trạng chán ăn, mệt mỏi.
PGS Ngọc cho hay, lạm dụng rượu có thể khiến gan không kịp đào thải các chất độc hại. Các chất độc này tích tụ trong gan có thể gây tổn thương gan. Bên cạnh đó, uống quá nhiều rượu bia còn khiến men gan tăng cao, hủy hoại các tế bào gan, thậm chí có thể gây biến đổi ADN, làm xuất hiện tế bào lạ (ung thư).
Các chuyên gia khuyến cáo, người bị viêm gan B uống rượu bia trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ mắc xơ gan, xơ gan mất bù, hoặc ung thư gan.
Theo dõi sát viêm gan virus
TS.BS Ngô Chí Cương cho hay, bệnh nhân A có tình trạng viêm gan virus tuy nhiên không điều trị. Viêm gan B mạn tính gây ra bởi virus HBV tồn tại trong cơ thể người trên 6 tháng. Viêm gan virus thường tiến triển âm thầm với các triệu chứng lâm sàng mờ nhạt, đến khi phát hiện thì bệnh có thể đã tiến triển đến giai đoạn xơ gan mất bù.
Hiện nay, viêm gan B mạn tính vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hoàn toàn mà chỉ có các phác đồ thuốc điều trị nhằm ức chế hoạt động của virus. Đặc biệt, với bệnh nhân xơ gan, việc điều trị cần tiến hành suốt đời, giúp người bệnh có thể “chung sống hòa bình” với virus.
Theo TS.BS Ngô Chí Cương, bệnh nhân mắc xơ gan và viêm gan B mạn tính cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Cụ thể, bệnh nhân cần tuân thủ lối sống khoa học, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, dùng thuốc đúng liều và phải kiêng rượu bia.
Rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc xơ gan, viêm gan B mạn tính có thể sống khỏe mạnh như người bình thường nhờ tuân thủ phác đồ điều trị và có khả năng đáp ứng thuốc tốt. Bởi vậy, để điều trị thành công bệnh lý này, người bệnh cần kiên trì và thường xuyên thăm khám đề bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng bệnh.
Ngọc Minh