Mới đây, thông tin giá điện trên cả nước sẽ tăng nhận được nhiều sự quan tâm. Cụ thể, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành quyết định số 1046/QĐ-EVN ngày 11/10/2024 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng thêm 4,8%. Đại diện EVN giải thích, trung bình chi phí điện mỗi hộ gia đình sẽ tăng thêm khoảng 13.800 đồng/tháng.
Lúc này, việc tìm hiểu về điện năng mà các thiết bị trong nhà tiêu thụ là cần thiết hơn bao giờ hết, để người dùng có phương án sử dụng sao cho hợp lý, tiết kiệm. Sử dụng đã lâu song có một thực tế là không phải ai cũng biết đâu là thiết bị "ngốn điện" nhất trong nhà mình.
Câu trả lời đã được EVN đưa ra trong một bảng thống kê, được công bố vào giữa năm 2023. Có 9 thiết bị được "nêu tên", và thiết bị đứng đầu trong danh sách "Thiết bị ngốn điện không ngờ tới" chính là chiếc bếp điện và bình nóng lạnh.
Theo bảng từ EVN, một chiếc bếp điện đơn, sử dụng 3 tiếng/ngày có thể tiêu thụ 85 - 95 kWh/tháng. Con số này ở bếp điện đôi là 170 - 190 kWh/tháng. Con số này thậm chí còn cao hơn so với những chiếc tủ lạnh được dùng 24/24, tức là cả ngày.
Còn với bình nóng lạnh, áp dụng với bình 20 lít, nếu dùng trong vòng 1 tiếng, có thể tiêu thụ 70 - 80 kWh/tháng. Nếu dùng 24/24, con số lên tới 320 - 340 kWh/tháng.
Chính bởi vậy, nếu gia đình bạn cũng đang có 2 thiết bị trên: Bếp điện và bình nóng lạnh, các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng hãy sử dụng chúng một cách hợp lý và biết áp dụng một số lưu ý để việc sử dụng chúng được tiết kiệm điện, từ đó tiết kiệm tiền hơn.
Ảnh minh họa.
Sử dụng bếp điện sao cho tiết kiệm
Không bật bếp quá lâu
Nhiệt độ làm nóng trên bếp điện cao hơn nhiều so với bếp gas, công suất điện cũng lớn, bởi vậy người dùng không nên bật bếp điện quá lâu, liên tục trong thời gian dài ngay cả khi chưa cần thiết.
Hành động này sẽ gây tốn một lượng năng lượng khổng lồ, lâu ngày còn khiến bếp suy giảm tuổi thọ, dễ bị quá tải, dẫn đến nứt mặt bếp, thậm chí là chập cháy nguy hiểm. Người dùng chỉ bật bếp khi trên mặt bếp đã thực sự có công cụ nấu nướng cũng như thực phẩm, khi không có nhu cầu dùng bếp trong thời gian dài, kéo dài khoảng vài tiếng, hãy tắt aptomat hoặc rút điện bếp.
Hạn chế thay đổi chế độ bếp liên tục
Trong suốt quá trình sử dụng, cũng nên lưu ý về việc thay đổi chế độ của bếp như thay đổi mức nhiệt, các chế độ bổ sung... Việc thay đổi liên tục khiến bảng máy thiết bị phải hoạt động hết công suất liên tục, gây tốn nhiều điện.
Ngoài ra hành động này còn tiềm ẩn việc bếp dễ gặp lỗi do các thay đổi quá đột ngột liên tục. Khi điều chỉnh bếp, tốt nhất hãy dùng ngón tay khô, sạch và bấm lần lượt từng chế độ, một cách chậm rãi.
Đặt bếp xa các nguồn sinh nhiệt khác
Tốt nhất hãy đặt bếp điện xa các nguồn sinh nhiệt, cụ thể là các thiết bị điện khác. Việc này giúp thiết bị được tản nhiệt tốt, từ đó được giảm tải và không gây tốn nhiều điện năng.
Lựa chọn bếp, dụng cụ nấu phù hợp
Cuối cùng là người dùng cần lựa chọn bếp điện và dụng cụ nấu sao cho phù hợp với nhu cầu của gia đình. Không nên chọn bếp có công suất quá lớn nếu không cần thiết. Dụng cụ nấu như nồi, niêu, xoong, chảo cũng cần vừa với vùng bếp để tránh lãng phí năng lượng từ bếp.
Sử dụng bình nóng lạnh sao cho tiết kiệm
Không bật bình nóng lạnh 24/24
Nhiều gia đình, đặc biệt vào mùa lạnh, sẽ có thói quen bật bình nóng lạnh liên tục cả ngày. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến lượng điện năng thiết bị tiêu thụ đạt cao, chiếm lượng lớn trong hóa đơn của gia đình.
Bên cạnh đó, nó còn khiến thiết bị bị suy giảm tuổi thọ nhanh chóng, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gây chập cháy cực nguy hiểm. Các chuyên gia khuyên rằng, người dùng chỉ nên bật bình nóng lạnh khoảng 30-40 phút trước khi có nhu cầu sử dụng. Trong khi dùng, tuyệt đối không bật bình.
Trong quá trình sử dụng, có thể điều chỉnh nhiệt độ nước trong bình để thiết bị tiết kiệm điện hơn nữa.
Kiểm tra, bảo dưỡng bình định kỳ
Cũng tương tự như các thiết bị điện khác, bình nóng lạnh cũng cần được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động. Các thợ sửa chữa khuyến cáo, việc để bình nóng lạnh lâu không kiểm tra có thể khiến những bộ phận quan trọng bên trong thiết bị bị ăn mòn, bị oxy hóa hay bám nhiều cặn bẩn từ nguồn nước. Từ đó sẽ làm gián đoạn hoặc làm chậm quá trình làm nóng nước, gây lãng phí điện năng.
Chính vì vậy, người dùng nên tiến hành công việc kiểm tra, bảo dưỡng bình nóng lạnh từ 1-2 năm một lần.
Chọn bình nóng lạnh phù hợp
Có 2 thông số quan trọng người dùng có thể nhìn vào để chọn bình nóng lạnh sao cho phù hợp. Đó là dung tích bình và công suất. Dưới đây là gợi ý dựa trên dung tích:
Bình 15 lít dùng cho gia đình có 1 - 2 người.
Bình 20 lít dùng cho gia đình có 2 - 3 người.
Bình 30 lít dùng cho gia đình có 3 - 4 người.
Bình 45 lít dùng cho gia đình có 4 - 5 người.
Còn đây là gợi ý dựa trên công suất:
Bình công suất 1500W - 2500W dùng cho gia đình 1-2 người
Bình công suất từ 3000 - 4000W dùng cho gia đình 2-3 người
Bình có công suất 4000W trở lên dùng cho gia đình từ 4 người
Để tối ưu điện năng trong gia đình nói chung hay của bình nóng lạnh tiêu thụ, người dùng cũng có thể tham khảo các loại bình sử dụng năng lượng mặt trời. Đây là giải pháp vừa đem lại hiệu quả làm nóng nước tốt và tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, theo khảo sát, giá thành của các loại bình nóng lạnh năng lượng mặt trời hiện nay có phần nhỉnh hơn so với các loại bình thông thường, vì vậy người dùng nên cân đối điều kiện của gia đình trước khi quyết định chọn mua.
Để ước tính điện năng cụ thể từng thiết bị nhà mình đang tiêu thụ, các gia đình có thể tham khảo trên: https://uoctinhdiennang.evn.com.vn/
Thu Phương