EQ là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ em. Nó không chỉ đóng góp vào khả năng hiểu và quản lý cảm xúc mà còn giúp trẻ em tương tác xã hội một cách hiệu quả. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng EQ có thể là một dự báo mạnh mẽ cho sự thành công trong tương lai của trẻ.
Theo quan sát của một người làm việc trong ngành giáo dục hơn 30 năm, cô Dư, giáo viên tại một trường tiểu học tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, nhận thấy hầu hết những học sinh có EQ cao thường sở hữu 3 "đặc điểm" dưới đây. Nhóm học sinh này có thể không có thành tích học tập quá nổi bật song khi lớn lên, các em đều có tương lai thành công, xán lạn. Các bậc phụ huynh hãy cùng kiểm tra xem con em của mình có những đặc điểm này hay không.
1. Biết cách an ủi mọi người
Trẻ có chỉ số EQ cao có thể cảm nhận và cảm thông với cảm xúc của người khác. Từ đó, trẻ biết người khác cần được an ủi hay không và có những hành động thể hiện sự đồng cảm của mình với họ. Những đứa trẻ này không chỉ có EQ cao mà còn rất thông minh, chúng suy nghĩ vấn đề từ góc độ của người khác và xử lý tình huống một cách khôn khéo.
Từ đây, bố mẹ cũng nên bắt đầu giáo dục cảm xúc cho trẻ từ việc rèn luyện thái độ, cách cư xử của con với mọi người, mọi vật. Những việc này sẽ tạo tiền đề giúp trẻ có khả năng kết nối mọi người, biết lắng nghe và cảm thông, biết cách dẫn dắt, vui chơi tập thể. Khả năng chia sẻ, thể hiện lòng trắc ẩn, khả năng giải quyết xung đột, tiếp thu ý kiến ở trẻ cũng là những đặc điểm dự báo cho sự thành công của chúng trong tương lai
2. Trẻ hòa đồng
Nếu như trẻ có thể hòa hợp với mọi người và có mối quan hệ xã hội tốt thì chứng tỏ trẻ sở hữu chỉ số EQ và IQ rất cao. Trẻ giao tiếp thường xuyên với những người xung quanh sẽ giúp chúng phát triển khả năng về ngôn ngữ, có khả năng ngôn ngữ phong phú, khả năng diễn đạt tốt. Khi trẻ hòa đồng, trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều từ bạn bè và thế giới xung quanh, thu nạp những điều hay giúp trẻ hiểu biết và thông minh hơn.
Do đó, nếu muốn con mình trở thành một người thành công hơn trong tương lai, cha mẹ cũng cần để ý và giúp con bồi dưỡng thêm một số kỹ năng để trẻ có thể kết nối nhiều hơn với bạn bè và những người xung quanh.
3. Trẻ có thể giữ bình tĩnh
Đôi khi, người lớn cũng gặp khó khăn trong việc tự xoa dịu bản thân khi rơi vào những tình huống căng thẳng, bực bội. Do đó, những đứa trẻ có khả năng điều chỉnh cảm xúc của mình theo những cách rất riêng như hít thở sâu, trấn tĩnh khi bị kích động thay vì la hét, tức giận là những biểu hiện của một đứa trẻ có EQ cao. Nói cách khác, trẻ EQ cao thường ít phản ứng bốc đồng hơn bạn cùng lứa tuổi. Các em có thể nhận ra những cảm xúc của bản thân và hiểu mình nên cư xử thế nào trong những tình huống cụ thể.
Là cha mẹ, chúng ta nên khuyến khích trẻ nỗ lực điều chỉnh cảm xúc của mình bằng nhiều cách như hít thở sâu, đếm, nói “cần yên tĩnh” hay bỏ đi khi kích động,... Khi hỗ trợ trẻ đạt được các kỹ năng xác định và thể hiện cảm xúc, điều này có nghĩa là cha mẹ đang đóng góp không chỉ vào sức khỏe tâm thần lâu dài, mà còn cho con sự phát triển toàn diện trong tương lai.
Ánh Lê (Tổng hợp)