- Sau khi tân trang "cậu nhỏ", anh đã gặp biến chứng nặng và lập tức bay ra Hà Nội cấp cứu.
- Bác sĩ đưa ra lưu ý khi nam giới muốn tăng kích cỡ dương vật.
Biến chứng sau nâng cấp "cậu nhỏ"
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Đức - Đơn nguyên Nam học, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - cho hay bác sĩ mới tiếp nhận bệnh nhân Phong (*) (42 tuổi, tại TP HCM) do gặp biến chứng nặng sau khi nâng cấp "cậu nhỏ".
Anh Phong cho hay anh đã kết hôn được 10 năm nhưng luôn tự ti vì "cậu nhỏ" ngắn. Tranh thủ lúc vợ đang ở cữ, anh Phong giấu vợ đi phẫu thuật kéo dài kích thước "cậu nhỏ".
Qua tìm hiểu trên mạng xã hội, anh tìm được một phòng khám thẩm mỹ tại đường Cao Thắng, quận 3, TP HCM, quảng cáo "cấy miếng độn Megaderm tổng hợp từ da người hoặc động vật", bảo hành vĩnh viễn. Phòng khám cho hay bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật đang công tác tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội.
Tin theo lời quảng cáo, anh Phong đã quyết định thực hiện cấy miếng độn, nạo mỡ mu, cắt da bao quy đầu. Tổng chi phí "nâng cấp" là 40 triệu đồng.
Sau cuộc phẫu thuật, phòng khám cam kết kích cỡ "cậu nhỏ" sẽ tăng 2-4cm. Tuy nhiên, bằng quan sát thực tế thì anh Phong thấy "cậu nhỏ" không hề thay đổi.
Nghiêm trọng hơn, tới ngày thứ 3, anh Phong thấy "vùng kín" có hiện tượng chảy dịch. Miếng silicon lộ ra ngoài, không có miếng độn như quảng cáo. Hai tuần sau, tình trạng viêm đau ngày càng nặng hơn.
Nhận thấy tìn trạng không ổn, anh Phong đã quay trở lại phòng khám, vị bác sĩ làm cho anh vẫn khẳng định đặt miếng độn nhưng đã tan. Vừa mất tiền, chịu đau đớn, người đàn ông này đã làm đơn gửi tới Thanh tra Sở Y tế TPHCM. Sau đó, anh bay ra Hà Nội ngay trong đêm để nhập viện phẫu thuật gấp.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức cho hay bệnh nhân Phong tới khám trong tình trạng bị loét da thân dương vật, lộ silicon. Bệnh nhân bị biến chứng vùng độn dị vật, tạo thành ổ dịch, tổn thương viêm do quá trình xử lý vật liệu không đảm bảo vô khuẩn, vật liệu nhiễm vi khuẩn.
Bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh nhưng thuốc không thấm được vào silicon, không có tác dụng. Bác sĩ bắt buộc phải phẫu thuật tháo miếng độn và khâu lại tổ chức dương vật. Ca phẫu thuật được thực hiện trưa 3/7.
Khi khám trực tiếp, bác sĩ Đức nhận thấy kích thước dương vật của nam thanh niên này hoàn toàn bình thường, không ngắn.
"Cậu nhỏ" thế nào là ngắn?
Theo bác sĩ Đức, để tăng kích cỡ dương vật, hiện nay có rất nhiều phương pháp như: tiêm mỡ tự thân, tiêm silicon, tiêm filler, tấm độn silicon… Tuy nhiên, các phương pháp này đều chưa được Bộ Y tế cấp phép. Đây là vật liệu giá rẻ, phẫu thuật đơn giản nên nhiều cơ sở đã làm "chui" cho khách.
Trên thực tế, hiện nay, nhiều cơ sở quảng cáo phẫu thuật tăng kích thước bằng miếng độn sinh học từ da động vật hoặc da người nhưng thực tế sử dụng silicon.
Bộ Y tế chỉ cấp phép quy trình, danh mục sử dụng tấm độn sinh học Megaderm là vật liệu y tế có cấu tạo từ mô da người, thực hiện tại bệnh viện, không thực hiện ở các phòng khám thẩm mỹ.
Một số nghiên cứu cho thấy chiều dài dương vật của nam giới Việt Nam khi cương cứng khoảng 11-13cm, chu vi xấp xỉ 8cm và 6,5cm lúc bình thường. Dương vật chỉ được coi là ngắn khi cương cứng dưới 8cm và chu vi dưới 4cm lúc không cương cứng. Việc chỉ định can thiệp tăng kích cỡ cần thực hiện đúng quy trình về chuyên môn, tránh biến chứng.
Bác sĩ Đức khuyến cáo với các trường hợp muốn tăng kích cỡ dương vật nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để tránh nguy cơ biến chứng do vật liệu kém chất lượng.
*Tên nhân vật đã được thay đổi!