Hàng chục ngàn cổ động viên trẻ tuổi tập trung bên trong SVĐ Kanjuruhan tối 01/10, hy vọng sẽ chứng kiến đội nhà đánh bại Persebaya Surabaya, một CLB mà họ đã thắng trong suốt 23 năm.
Nhưng Arema thua 2-3, và các cổ động viên giận dữ tràn xuống sân. Những gì xảy ra sau đó là một trong những thảm họa chết chóc nhất lịch sử bóng đá. Cảnh sát bắn lựu đạn hơi cay vào đám đông và dùng gậy đánh đập các CĐV, theo nhân chứng. CĐV hoảng loạn bỏ chạy đã gây ra dẫm đạp, chen lấn tại các cửa ra vào hẹp, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng.
"Tôi vẫn nghĩ, 'Thảm họa đó thực sự có diễn ra không?'," Felix Mustikasakti, 23 tuổi, trả lời phỏng vấn New York Times. Mustikasakti bị thương ở chân khi lựu đạn hơi cay của cảnh sát rơi trúng vị trí của anh. "Làm sao một bi kịch như vậy có thể diễn ra và khiến nhiều người chết đến thế?" anh nói.
Thảm họa khiến dư luận Indonesia tập trung vào việc cảnh sát địa phương sử dụng lựu đạn hơi cay trong các SVĐ chật cứng người. Trên Twitter, nhiều người kêu gọi Cảnh sát trưởng Quốc gia Indonesia từ chức. Phát ngôn viên cảnh sát cho biết ngoài hơn 120 người hết, ít nhất 300 người bị thương.
Tình trạng bạo lực gây chết người giữa các đội bóng lớn vẫn thường xảy ra tại Indonesia. Một số đội bóng có CLB người hậm mộ với các "chỉ huy", đứng đầu lượng lớn CĐV. Họ thường xuyên ném pháo sáng xuống khán đài, và cảnh sát chống bạo động thường có mặt ở các trận đấu. Kể từ thập niên 1990, hàng chục người hâm mộ đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan tói bóng đá.
Tuy vậy, Indonesia chưa từng chứng kiến thảm họa lớn tới mức này ở các SVĐ. Những gì diễn ra hôm 01/10 tại Malang dường như là sự kết hợp hoàn hảo của nhiều yếu tố, theo New York Times.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu Cảnh sát trưởng Quốc gia điều tra toàn diện vụ việc. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Joko Widodo cho biết đã yêu cầu Bộ trưởng Thanh niên và thể thao cùng chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia đánh giá an ninh tại trận đấu bóng đá.
"Tôi lấy làm tiếc khi thảm họa này diễn ra. Tôi hy vọng đây sẽ là bi kịch bóng đá cuối cùng ở Indonesia," tổng thống Joko Widodo nói.
Cảnh sát bảo vệ việc sử dụng lựu đạn hơi cay, cho rằng đây là biện pháp cần thiết để trấn áp các CĐV bạo lực. Tổng điều tra Nico Afinta, người đứng đầu cơ quan cảnh sát Đông Java cho biết lựu đạn hơi cay đã được sử dụng do "tình trạng hỗn loạn". Ông nói thêm rằng các CĐV lúc đó "muốn tấn công cảnh sát và phá hoại xe của họ".
Thế nhưng một số nhân chứng không đồng tình với nhận định trên, cho rằng cảnh sát đã phóng lựu đạn hơi cay vô tội vạ lên các khán đài gây ra tình trạng dẫm đạp và làm nhiều người ngạt thở. Video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều CĐV cố gắng trèo lên hàng rào để tránh hơi cay. Một số video khác cho thấy lực lượng an ninh được trang bị khiên và gậy đã đánh đập các CĐV trên sân.
Lượng người trên sân vượt quá sức chứa, theo giới chức địa phương. Một quan chức cho biết ủy ban bóng đá địa phương đã in 42.000 vé cho trận đấu, dù sức chứa của sân là 38.000 chỗ ngồi. Tổng điều tra Afinto cho biết có khoảng 40.000 người trong SVĐ khi vụ việc xảy ra.
Cảnh sát được trang bị lựu đạn hơi cay có mặt trong sân vận động, dù FIFA đã cấm sử dụng loại vũ khí này trong các trận đấu bóng đá. Owen West, một giảng viên cảnh sát tại Đại học Edge Hill ở Anh cho rằng việc sử dụng vũ khí kiểm soát đám đông và trang bị chống bạo động diễn ra khi "cảnh sát vạch ra chiến thuật dựa trên đánh giá rằng họ đã mất kiểm soát".
"Thực sự rất nguy hiểm khi sử dụng chiến thuật giải tán đám đông như hơi cay ở vụ việc thế này. Tôi cho rằng họ đã dùng hơi cay mà không nghĩ tới việc hàng ngàn người sẽ chạy vào đâu," West nói.
Joshua Nade, một CĐV trong sân, cho biết sau khi trận đấu kết thúc, hai hoặc ba người hâm mộ đã rời khỏi khán đài và chạy về chỗ các cầu thủ để la hét. Cảnh sát xuất hiện để yêu cầu họ trở lại khán đài, nhưng các CĐV xuống sân ngày càng đông. Sau khi đụng độ xảy ra giữa cảnh sát và các CĐV, lựu đạn hơi cay đã được sử dụng vào lúc 22 giờ 30 phút.
Tới 23 giờ, lực lượng an ninh bất ngờ phóng lựu đạn hơi cay lên các khán đài, Joshua nói, khiến hàng trăm người chạy về các cửa thoát. Cảnh sát tiếp tục phóng hơi cay trong khoảng một giờ đồng hồ, Joshua nói.
Ngoài SVĐ, hàng trăm CĐV giận dữ xô xát với cảnh sát. Một số cửa thoát bị bịt kín để các CĐV không thể và sân, nhưng điều đó cũng khiến hàng ngàn người bị kẹt bên trong.
Để thoát khỏi SVĐ, Joshua cho biết anh và nhiều người khác phải trèo hàng rào cao khoảng 4,5 mét, va chạm với rất nhiều người khác đang hoảng loạn. Joshua nói cảnh sát chỉ đứng nhìn, không giúp đỡ gì cho hàng trăm người ngất xỉu vì hít phải hơi cay.
Quỹ Hỗ trợ Pháp lý Indonesia trong một thông báo cho rằng "việc lạm dụng hơi cay và kiểm soát đám đông không hợp lý khiến nhiều người thiệt mạng."
"Nếu không phải vi hơi cay, có lẽ bạo động đã không diễn ra," Suci Rahayu, một nhiếp ảnh gia tác nghiệp tại sân hôm 01/10 nói.
Tumbaz nói vào khoảng 11 giờ 45 phút, một quả lựu đạn hơi cay rơi vào chân phải của anh, khiến anh bị bỏng. Sau khi cảnh sát dừng phóng hơi cay, Tumbaz nói anh đã giúp nhân viên y tế khiêng hơn 10 người ngất xỉu ra khỏi sân. Anh kiểm tra xem họ còn sống hay không, và cảm thấy tim mạch của họ vẫn hoạt động, dù rất yếu. Sau đó, anh đi tim bạn bè ở bãi đỗ xe.
Khi Tumbaz trở lại, thân thể những người bất tỉnh đã tím tái. "Tôi vẫn nhớ khuôn mặt của họ. Tôi vẫn nhớ tiếng họ cầu cứu," anh nói.
Bambang Siswanto, cha của Gilang Putra Yuliazah, 19 tuổi, cho biết con trai và cháu trai của anh tới sân cùng ba người khác. Cháu trai của anh, 17 tuổi, đã thiệt mạng và con trai anh hiện đang bị sang chấn tâm lý.
"Nó bị sốc quá nặng. Khi tôi tìm thấy con, nó vẫn ổn, nhưng ngay khi thấy thi thể của em họ, nó đã bị sốc. Nếu cố nói chuyện với nó, nó sẽ không phản hồi," Bambang cho biết.
Etri, mẹ của Gilang, nói rằng cô đã khuyên con trai đừng đi xem đá bóng. Tuy vậy, con trai cô là CĐV trung thành của Arema từ khi còn nhỏ, nên vẫn quyết định tới sân.
"Tôi sẽ không để nó xem trận bóng nào nữa, tôi đã quá sợ hãi rồi," Etri nói.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)
Bình luận tiêu biểu (0)