Cựu thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm đã phát biểu tại một hội thảo tài chính thường niên rằng :”Các nền tảng sở hữu lượng lớn dữ liệu cá nhân nên trả lại 20-30% doanh thu từ giao dịch cho những người tạo ra dữ liệu ấy”. Ông Hoàng cho rằng lợi ích từ dữ liệu nên được trả lại cho toàn bộ xã hội, bao gồm cả những cá nhân tạo ra dữ liệu và không chỉ một số ít các bên liên quan.
Từng là Phó bí thư Thành ủy Thượng Hải và giữ chức vụ xây dựng chính sách kinh tế tại thành phố này, ông Hoàng Kỳ Phàm đã đóng vai trò lớn trong việc phát triển trung tâm tài chính Phổ Đông và sau đó trở thành thị trưởng Trùng Khánh vào năm 2010.
Ông được coi trọng nhờ chuyên môn kinh tế của mình và dường như vẫn tích cực tham gia xây dựng chính sách kinh tế dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Phát biểu của ông Hoàng về doanh thu từ dữ liệu do đó cho thấy vấn đề này rất có thể đang được các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc thảo luận.
Các đại tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Tencent, giống như mọi công ty quy mô tương đương trên thế giới, sử dụng lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ thu thập được qua các dịch vụ và ứng dụng. Mức độ và phạm vi dữ liệu được thu thập cùng với lượng lợi nhuận lớn mà các công ty này kiếm được từ dữ liệu đã hứng chịu nhiều chỉ trích cả từ phía công luận và chính phủ Trung Quốc.
Bình luận của ông Hoàng Kỳ Phàm được coi là "mũi tên" nhắm thẳng đến các tập đoàn công nghệ ấy. Thêm vào đó, ông còn cho rằng nhà nước nên là bên sở hữu dữ liệu và quyền giao dịch dữ liệu, nhấn mạnh rằng các công ty Internet sẽ không phải là “thủ lĩnh” dẫn đầu nền kinh tế dữ liệu.
Trong thời gian gần đây, áp lực từ giới quản lý đang ngày càng trở nên lớn hơn đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Vào tháng 11/2020, việc Ant Group - công ty tài chính dưới quyền Alibaba - IPO đã bị giới chức tài chính ngừng vô thời hạn. Tháng 4/2021, Alibaba bị phạt nặng do vi phạm quy định chống độc quyền. Didi Chuxing, công ty dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc, cũng vừa bị điều tra vào tháng 7 vừa qua do vấn đề xử lý dữ liệu. Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân mới có hiệu lực từ 1/11 cũng là một biện pháp khác của chính phủ Trung Quốc nhằm đưa các công ty công nghệ “vào khuôn khổ”.
Chính quyền các địa phương cũng đang dần có lập trường rõ ràng hơn về nền kinh tế dữ liệu. Tháng 9 vừa qua, Thượng Hải đã ra một dự thảo quy định tuyên bố rằng “cá nhân và doanh nghiệp có quyền hưởng lợi từ doanh thu tạo ra từ giao dịch dữ liệu”.
Thêm vào đó, Bộ Thương mại và một số cơ quan khác của Chính phủ Trung Quốc đã công bố “Kế hoạch 5 năm thứ 14 về Phát triển Thương mại điện tử”, đặt mục tiêu nâng tổng giá trị giao dịch của các dịch vụ online từ 37 nghìn tỷ NDT (5,8 nghìn tỷ USD) năm 2020 lên 46 nghìn tỷ NDT vào năm 2025. Bên cạnh đó, kế hoạch này cũng nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát ngành công nghiệp Internet.
Theo Tùng Phong (Nguoiduatin.vn)