Đoạn video không rõ nét quay bằng điện thoại di động cho thấy những người lính mặc trang phục màu xanh ô liu xếp hàng để lấy đồ trong một doanh trại quân đội.
Tờ Telegraph (Anh) đưa tin, các đoạn video, xuất hiện cách đây khoảng chục ngày, được cho là thể hiện cảnh binh lính Triều Tiên đến một căn cứ ở Nga để huấn luyện trước khi họ có thể được triển khai để tham gia cuộc chiến của Nga với Ukraine.
Khoảng 3.000 binh lính Triều Tiên được cho là đang huấn luyện tại Nga và hơn 10.000 người dự kiến sẽ được triển khai trong những tuần tới.
Các quan chức Mỹ nhận định việc triển khai quân này là "một vấn đề rất, rất nghiêm trọng" và có thể liên quan đến những thứ Bình Nhưỡng có thể nhận lại từ Moscow.
Trong khi các quan chức phương Tây cho biết vẫn chưa rõ liệu binh lính Triều Tiên có tham chiến hay không, Kyiv cáo buộc ít nhất đội quân đầu tiên đang trên đường đến Kursk để chiến đấu với Ukraine.
Theo các chuyên gia, về khả năng, đợt triển khai quân này - nếu xác thực - không chỉ cung cấp cho Nga thêm hàng nghìn quân để tiến hành các cuộc tấn công tốn kém và khó khăn, mà sẽ là thành quả đáng kể đầu tiên của hiệp ước Nga-Triều Tiên được Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Kim Jong-un được ký kết hồi tháng 6.
Chuyên gia Victor Cha thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington nói: "Việc gửi quân là biểu tượng lớn nhất của cam kết liên minh mà một quốc gia có thể thực hiện với quốc gia khác. Vì vậy, điều này thực sự cho thấy Triều Tiên hoàn toàn ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine."
Telegraph đưa tin, phía Hàn Quốc lo ngại rằng, để đổi lại việc giúp đỡ Nga, Triều Tiên có thể nhận được nguồn lực về tài chính, thiết bị quân sự hoặc bí quyết mà sau đó họ sẽ sử dụng để chống lại Hàn Quốc.
Seoul đã lên tiếng "lo ngại sâu sắc" về hiệp ước giữa hai nước và kêu gọi Moscow ngừng "hợp tác bất hợp pháp" với Bình Nhưỡng.
Theo Telegraph, có thông tin cho rằng Hàn Quốc sẽ triển khai tình báo quân sự đến Ukraine để phân tích chiến thuật của Triều Tiên và thẩm vấn tù nhân.
Hàn Quốc và Triều Tiên đến nay vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt xung đột từ những năm 1950 và hiện chỉ duy trì lệnh ngừng bắn trong căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên muốn nhận những gì từ Nga?
Telegraph dẫn lời các nhà phân tích cho biết, đầu tiên là động lực tài chính. Bình Nhưỡng rất cần ngoại tệ và nước này từ lâu đã đưa người lao động đến Nga để kiếm tiền.
Các nhà quan sát cũng cho biết, ông Kim Jong-un kỳ vọng sự công nhận và địa vị quốc tế; và việc triển khai quân đến Nga có thể đưa ông tới các chương trình nghị sự quốc tế.
Bình Nhưỡng cũng có thể muốn trao cho quân đội của mình cơ hội học hỏi từ một cuộc xung đột thường được mô tả là "phòng thí nghiệm cho chiến tranh thế kỷ 21".
Theo Telegraph, mặc dù quân đội Triều Tiên có quy mô rất lớn với 1,2 triệu quân nhân, nhưng họ thiếu kinh nghiệm chiến đấu trong thời gian gần đây và kho vũ khí đã lỗi thời. Việc triển khai quân đến Ukraine có thể giúp lực lượng Triều Tiên có được kinh nghiệm trực tiếp về máy bay không người lái, chiến tranh điện tử, tên lửa và chiến đấu với xe bọc thép trên chiến trường hiện đại. Kinh nghiệm đó có thể được truyền đạt lại cho quân đội nước này trong những cuộc xung đột tương lai.
Tất cả những khả năng này sẽ khiến Seoul và khu vực rộng lớn hơn lo ngại, nhưng mối lo lớn hơn là Bình Nhưỡng có thể đạt được thỏa thuận về bí quyết quân sự tiên tiến hơn với Moscow.
Có thông tin cho rằng ông Kim muốn Triều Tiên được trợ giúp trong chương trình vệ tinh của nước này cũng như hỗ trợ chế tạo tàu ngầm hạt nhân - Telegraph nêu.
Giám đốc Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) Kyrylo Budanov nói với tờ Economist (Anh) vào tuần trước rằng, sự giúp đỡ của Triều Tiên có thể được đổi lại bằng việc hỗ trợ đầu đạn hạt nhân năng suất thấp hoặc "chiến thuật".
Điều đáng lo ngại và là mối đe dọa đối với Mỹ và đồng minh ở toàn bộ khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ là Nga đồng ý hỗ trợ để giúp cho tên lửa của Triều Tiên vận hành hiệu quả hơn.
Hữu Hiển