Theo tờ Politico (Mỹ), 22 năm sau khi tổ chức khủng bố Al-Qaeda thực hiện vụ tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001 và 12 năm sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt khi đang ẩn náu trong hầm trú ẩn ở Pakistan, cái tên bin Laden bỗng xuất hiện trở lại đầy bất ngờ trên các nền tảng truyền thông.
22 năm sau vụ tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001, cái tên trùm khủng bố bin Laden đã xuất hiện trở lại đầy bất ngờ trên các nền tảng truyền thông. Ảnh: Alamy
"Thư gửi nước Mỹ" của bin Laden
Theo Politico, "Thư gửi nước Mỹ" là một bài viết rùng rợn dài 4.000 từ được viết cách đây nhiều thập kỷ bởi kẻ chủ mưu của vụ khủng bố máy bay chở khách ngày 11/9, khiến gần 3.000 người thiệt mạng tại Mỹ.
Bức thư và bản dịch của nó bắt đầu được lan truyền trên mạng ngay sau các cuộc tấn công vào năm 2001, đặc biệt là trong các tổ chức Hồi giáo cực đoan, và được đăng tải lần đầu trên tờ Guardian (Anh) vào năm 2002.
Trong bức thư gửi tới Chính phủ Mỹ và người dân Mỹ, bin Laden chỉ trích gay gắt Washington, bao gồm cả việc ủng hộ thành lập Nhà nước Israel vào năm 1948.
Theo Politico, sau khi xung đột Israel - Hamas leo thang ở Trung Đông, trong đó nhóm vũ trang Hamas đã sát hại 1.200 người trong cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Israel hôm 7/10 và hành động trả đũa của Israel tính đến nay đã giết chết hơn 11.000 người, lá thư của bin Laden lại bắt đầu được lan truyền trên mạng.
Trên mạng xã hội TikTok, nhiều người dùng - bao gồm nhiều Gen Z (nhóm người sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2010 và chiếm phần lớn người dùng Tiktok) - bắt đầu đăng video trích dẫn các đoạn trong bức thư và cho rằng chúng mang lại cho họ một góc nhìn mới về bối cảnh lịch sử đằng sau vụ 11/9.
Theo Politico, có đoạn trong bức thư chỉ trích sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Israel đã gây được ảnh hưởng với một số người dùng, trong bối cảnh có nhiều tranh cãi xoay quanh cách tiếp cận quyết liệt của Israel đối với khu vực Gaza.
Khi nhiều người chia sẻ phản ứng của họ khi đọc bức thư lần đầu tiên, các bài đăng bắt đầu lan truyền. Đài CNN (Mỹ) cho biết, các video thảo luận về bức thư đã thu hút 14 triệu lượt xem vào hôm 16/11.
Có đoạn trong bức thư của trùm khủng bố bin Laden chỉ trích sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Israel. Ảnh: AP
Phản ứng của người Mỹ
Theo Politico, các chính trị gia tại Mỹ đã có phản ứng gay gắt về thái độ của người dùng mạng xã hội đối với bức thư của bin Laden.
Một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết: "Không ai được phép xúc phạm 2.977 gia đình Mỹ vẫn đang thương tiếc những người thân yêu bằng cách liên tưởng đến những lời lẽ hèn hạ của Osama bin Laden… Đặc biệt là bây giờ, vào thời điểm bạo lực chống Do Thái gia tăng trên thế giới."
Một số nhà lập pháp trên khắp nước Mỹ đã cáo buộc ứng dụng Tiktok do công ty Trung Quốc ByteDance sở hữu đã truyền bá thông tin tuyên truyền chống Mỹ và kêu gọi chặn ứng dụng này.
Đại diện đảng Dân chủ Josh Gottheimer kêu gọi cấm hoặc bán TikTok cho một công ty Mỹ.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley mô tả TikTok là "một mạch nước phun tuyên truyền khủng bố".
Các nền tảng truyền thông "ra tay"
Theo Politico, TikTok đã cam kết ngăn chặn xu hướng kể trên, điều mà họ nói trong một tuyên bố rằng "vi phạm các quy tắc của chúng tôi về việc hỗ trợ bất kỳ hình thức khủng bố nào".
Tiktok đã nói thêm vào hôm 16/11 rằng, họ đang nỗ lực "xóa nội dung này một cách chủ động và tích cực, cũng như điều tra cách nó xâm nhập vào nền tảng".
Tiktok cũng xóa hashtag #lettertoamerica (Thư gửi nước Mỹ) khỏi chức năng tìm kiếm của mình.
Nhưng Tiktok cũng phủ nhận trách nhiệm, nói rằng hiện tượng người dùng mạng xã hội có thiện cảm với bin Laden "không phải chỉ có ở TikTok và đã xuất hiện trên nhiều nền tảng và phương tiện truyền thông".
Theo Politico, hôm 16/11, tờ Guardian đã gỡ bỏ bản sao đầy đủ bức thư của bin Laden, được tờ báo của Anh đăng tải trực tuyến lần đầu tiên vào năm 2002, thay thế nó bằng một tuyên bố ngắn gọn rằng: "Nó đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội mà không có bối cảnh đầy đủ. Vì vậy, chúng tôi quyết định gỡ nó xuống và hướng người đọc đến bài báo ban đầu đã được bối cảnh hóa."
Bình luận tiêu biểu (0)