Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Sức khỏe về gen và chống lão hóa” diễn ra ngày 26/9 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các chuyên gia y tế cho biết thay vì phòng bệnh và các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ sớm, đa phần người dân Việt Nam lại có xu hướng chỉ đi khám khi đã mắc bệnh hoặc có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.
Với ung thư, căn bệnh gây ra hơn 120.000 ca tử vong mỗi năm (theo Globocan 2020), hơn 40% số ca tử vong liên quan đến bệnh này có thể phòng ngừa bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ.
Hàng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Đột quỵ cũng có thể phòng ngừa thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ.
Giáo sư, Tiến sĩ Shigeo Horie, Chủ tịch Hiệp hội chống lão hóa Nhật Bản, cùng nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 32 gen liên quan đến đột quỵ. Tuy nhiên, nguy cơ đột quỵ cũng có liên quan chặt chẽ với yếu tố môi trường. Do đó, người có gen đột quỵ nếu có lối sống lành mạnh thì nguy cơ gặp đột quỵ giảm tương đương như người không có gen. Trường hợp không chú ý tới ăn uống, lối sống thì nguy cơ đột quỵ cao hơn 3 lần người bình thường.
Vị chuyên gia về lão hóa cho biết chế độ ăn giảm muối được cho là giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Gen và mối liên hệ dự phòng bệnh hiểm nghèo
GS Shigeo Horie cùng nhóm nghiên cứu đã giải mã tổng cộng 3,2 tỷ tế bào gen giúp con người hiểu rõ những ẩn số về tình trạng, thể chất, dinh dưỡng và những yếu tố di truyền. Đây là cơ sở để có thể tiên lượng và lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe đúng hướng, giúp đảo ngược quá trình lão hóa với chi phí và thời gian tối giản.
Giải mã gen giúp phát hiện sớm các gen lỗi, các nguy cơ bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính, bệnh di truyền lặn và bệnh hiếm, bệnh Alzheimer, đột quỵ, béo phì, xơ vữa động mạch, tim mạch, tiểu đường, và hầu hết các loại ung thư như: ung thư đại tràng, ung thư thận, ung thư tiền liệt tuyến,...
Theo GS Shigeo Horie, dựa vào kết quả giải mã gen, các chuyên gia có thể đưa ra tư vấn chuyên sâu, giúp người bệnh chủ động xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho bản thân thông qua tập luyện ăn uống, bổ sung “tố chất” theo đúng cơ địa để phòng ngừa ung thư, giảm thiểu nguy cơ tai biến và các bệnh lý mãn tính…
Tham gia hội thảo, TS.BS Nguyễn Ngô Quang - Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) - cho biết chiến lược phát triển khoa học công nghệ của ngành y tế Việt Nam từ nay đến năm 2030 là những vấn đề liên quan y học cá thể, trong đó có công nghệ về gene.
Ông Quang khẳng định với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học – công nghệ y tế, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các đơn vị đầu mối hợp tác tại Việt Nam phối hợp, hợp tác triển khai nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ ở Việt Nam.
Thạc sĩ, BSCKII Lưu Quốc Khải, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà, cho biết đây là sự kiện quan trọng, có giá trị nhân văn và thực tiễn, đồng thời đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác quốc tế của bệnh viện với Nhật Bản mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe cộng đồng.
Y học của thế kỷ 21 là y học dự phòng, ngăn ngừa bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi có giải mã về gen, bác sĩ sẽ biết được các nguy cơ từ đó đưa ra được chiến lược điều trị, dự phòng bệnh hiệu quả hơn, ông Khải nói.
Theo ông Khải, việc giả mã gen sẽ dự phòng các bệnh tật liên quan tới tuổi tác như: bệnh lý rối loạn chuyển hóa, ung thư, đột quỵ. Khi đã biết các yếu tố nguy cơ, con người sẽ phải thay đổi chế độ ăn, tập luyện sao cho phù hợp để dự phòng bệnh tật.
Ngọc Minh