Ngày 8/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt với chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh bởi quy hoạch được phê duyệt là cơ sở pháp lý, động lực thúc đẩy tỉnh khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Theo đó, mục tiêu tổng quát mà quy hoạch đặt ra là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.
Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng vạch rõ những định hướng lớn tạo đột phá phát triển với 4 ngành kinh tế trọng điểm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.
Phát triển 3 trung tâm đô thị; Xây dựng 3 hành lang kinh tế đồng bằng ven biển; Một trung tâm động lực tăng trưởng là Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương.
Quy hoạch tỉnh cũng xác định 4 nền tảng chính để thực hiện các mục tiêu là nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ các phương án phát triển không gian lãnh thổ như phương án xây dựng vùng liên huyện; phương án phát triển các vùng động lực và trục phát triển; phương án phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn; phương án tổ chức hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn;... và phương án tổ chức không gian phát triển Khu kinh tế, Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp.
Về phương án phát triển khu kinh tế, tiếp tục phát triển khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sớm hình thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh; nghiên cứu mở rộng quy mô diện tích, phạm vi ranh giới khu kinh tế Vũng Áng để đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững;
Phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía Tây của tỉnh, trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
Phát triển các khu công nghiệp (KCN) trong Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, như: KCN Vũng Áng 1 (116 ha), KCN trung tâm CN4 và CN5 (1.235 ha), KCN Phú Vinh (207 ha), KCN Hoành Sơn (41 ha), KCN Kỳ Trinh - Kỳ Thịnh (310 ha), KCN Kỳ Trinh (330 ha), các KCN khác theo quy hoạch chung xây dựng KKT Vũng Áng hoặc quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh.
Ngoài các KCN trong các Khu kinh tế nêu trên, đến năm 2030, quy hoạch phát triển 5 KCN với tổng diện tích khoảng 1.287 ha và 45 cụm công nghiệp có tổng diện tích khoảng 1.892 ha. Các KCN và CCN được bố trí tại các vị trí kết nối giao thông thuận lợi, đảm bảo các điều kiện hạ tầng điện, nước, thu gom, xử lý rác thải, nước thải, các dịch vụ phục vụ người lao động...
Cụ thể, 5 KCN với tổng diện tích khoảng 1.287 ha, gồm: KCN Gia Lách (huyện Nghi Xuân - diện tích 300 ha), KCN Bắc Hồng Lĩnh (thị xã Hồng Lĩnh - 269 ha), KCN Hạ Vàng (huyện Can Lộc - 100 ha), KCN Bắc Thạch Hà - 418 ha), KCN phía Tây thành phố Hà Tĩnh có diện tích 200 ha.
Về phát triển Cụm công nghiệp (CCN), Hà Tĩnh quy hoạch tổng cộng 45 CCN với tổng diện tích đến năm 2030 vào khoảng 1.892ha. Theo đó, giữ nguyên diện tích 11 CCN với tổng diện tích 318,83 ha, như: CCN Nam Hồng (42,92ha), CNN Trung Lương (26,47ha), CCN huyện Đức Thọ (68,28 ha), CCN Phù Việt (39,52 ha), CCN Bắc Cẩm Xuyên (51,52 ha)...
Mở rộng 10 cụm công nghiệp với tổng diện tích từ 228,37 ha lên 482 ha trước năm 2030. Trong đó, tại thị xã Hồng Lĩnh có 2 CCN được quy hoạch mở rộng gồm: CCN Cổng Khánh 1 (từ 45ha lên 75 ha), CCN Cổng Khánh 2 (từ 35 ha lên 65 ha); tại huyện Đức Thọ có CCN Thái Yên (từ 21 ha lên 62 ha), CCN Trường Sơn (từ 4,2 ha lên 20 ha)...
Bên cạnh đó, bổ sung mới 24 CCN tại các địa phương, như: CCN Xuân Mỹ (huyện Nghi Xuân - 25 ha), CCN Lạc Thiện (Đức Thọ - 30ha), CCN huyện Đức Thọ 2 (75 ha), CCN Kim Song Trường (huyện Can Lộc - 70 ha), CCN Tân Lâm Hương (Thạch Hà - 75 ha), CCN Cổng Khánh 3 (thị xã Hồng Lĩnh 75 ha); huyện Hương Sơn có 3 CCN là CCN Quang Diệm (40 ha), CCN Sơn Trường (30 ha) và CCN Sơn Lễ (30 ha)...
Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Được biết, theo kế hoạch, sáng 28/5 tới đây, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh với chủ đề “Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng".
Dự kiến hội nghị sẽ giới thiệu thông tin tổng quan Quy hoạch tỉnh, hoạt động xúc tiến đầu tư và các dự án ưu tiên đầu tư vào Hà Tĩnh; trao quyết định Quy hoạch tỉnh; tham luận của các chuyên gia, “hiến kế” giải pháp chiến lược để Hà Tĩnh thực hiện thành công quy hoạch, nhà đầu tư chia sẻ ý định đầu tư vào Hà Tĩnh; trao quyết định chủ trương đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, cam kết đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Phương Nam