Hầm Sơn Triệu băng băng về đích
Vào tháng 11/2024, dự án hầm cao tốc xuyên núi Sơn Triệu, thuộc đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh trong dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đang băng băng về đích.
Tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi trước mùa mưa bão tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, hàng trăm kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân và người lao động từ các nhà thầu đang khẩn trương thực hiện các công việc như khoan đá, nổ mìn, lắp đặt cấu kiện chống đỡ vỏ hầm, đổ bê tông gia cố vòm mái, lắp đặt hệ thống thông gió, và đào đắp nền đường.
Trong không gian chật hẹp, thiếu ánh sáng, không khí ngột ngạt với khói bụi dày đặc, tinh thần làm việc của các đơn vị thi công vẫn khẩn trương và đầy trách nhiệm. Tại khu vực thi công sâu trong ống hầm trái phía Nam hầm Sơn Triệu, các kỹ sư và công nhân đang tập trung khoan đá, san nền, và phá dỡ đất đá bằng thuốc nổ.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Ban điều hành Công ty Sông Đà 10 - nhà thầu phụ trách thi công hầm Sơn Triệu, cho biết trên Báo Tin tức rằng tính đến tháng 10/2024, ống hầm trái đã hoàn thành 60% khối lượng công việc, trong khi ống hầm phải đã đào thông 100% nền hầm.
Hầm Sơn Triệu nằm trong gói thầu 11-XL, đoạn KM0+200 ~ KM19+800 của dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh, với tổng chiều dài 960m, thiết kế 3 làn xe và tốc độ tối đa 120km/giờ, do Công ty Cổ phần Sông Đà 10 đảm nhận. Hầm Sơn Triệu được đánh giá là một trong hai "điểm găng" quan trọng nhất quyết định tiến độ về đích của cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Việc thi công hầm Sơn Triệu bắt đầu từ ngày 1/11/2023. Theo kế hoạch, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2025, rút ngắn 3 tháng so với mục tiêu ban đầu, đáp ứng chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
Trước đó, vào tháng 4/2024, hầm Sơn Triệu đã được đào thông, vượt tiến độ 1 tháng so với kế hoạch, đánh dấu bước tiến quan trọng trong toàn bộ dự án.
Áp dụng kỹ thuật tiên tiến thi công hầm Sơn Triệu
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng liên danh nhà thầu cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, chia sẻ trên báo Lao Động rằng ngay từ khi khởi công dự án, cả hai phía cửa hầm đều gặp khó khăn do vướng mắc hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường điện cao thế.
Nếu áp dụng các phương pháp thi công thông thường, việc nổ mìn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống hạ tầng này. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, giám sát và nhà thầu, nhiều giải pháp kỹ thuật hiện đại đã được triển khai, cho phép thi công mà không phụ thuộc vào việc giải phóng mặt bằng hay di dời hệ thống đường điện.
Kết quả đạt được đến nay là nhờ vào sự nỗ lực của đội ngũ kỹ sư và công nhân, cùng với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và trang bị loạt máy móc hiện đại.
Một trong những thiết bị nổi bật là robot khoan hầm Sanvik DT821, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Các mũi thi công còn được hỗ trợ bởi máy phun vẩy bê tông robot Meyco, máy xúc lật dung tích lớn 4m³ cùng nhiều thiết bị khác.
Tại mỗi ống hầm, đã huy động đến 4 robot khoan hầm Sanvik DT821, các máy phun vẩy bê tông robot Meyco với công suất 30 m³/giờ, giúp bê tông đông cứng ngay sau khi phun. Ngoài ra, công nghệ đào và gia cố hầm NATM - một công nghệ hiện đại từ Áo - cũng được áp dụng, giúp tăng tốc độ thi công đáng kể.
Nhờ các giải pháp này, trung bình mỗi ngày, hai mũi khoan hầm tiến sâu khoảng 10m. Với mỗi gương đào, tiến độ dao động từ 1-3m mỗi chu kỳ, tùy thuộc vào điều kiện địa chất đá. Thời gian hoàn thành một chu kỳ đào đã được rút ngắn từ 24 tiếng xuống chỉ còn 18 tiếng, mang lại hiệu quả vượt trội cho tiến độ thi công chung.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Ban Điều hành dự án Sông Đà 10 chia sẻ trên Tạp chí GTVT, đơn vị này đã áp dụng các công nghệ thi công khoan neo vượt trước, phun vẩy mặt gương, khoan phun gia cố chống thấm trước gương để thực hiện công tác đào hầm.
"Ngày mới mở hầm, đào được vài chục mét, mũi thi công phải tạm ngưng vì gặp sạt lở, nước ngầm… Anh em công trường thức trắng đêm, bàn phương án áp dụng các kinh nghiệm, công nghệ đào hầm. Ngày thông ống hầm phải, nhiều người ngỡ ngàng không dám tin, bởi khi bắt đầu thi công đã gặp phải hàng loạt yếu tố bất lợi phát sinh trong suốt quá trình đào hầm", kỹ sư Quảng chia sẻ.
Cùng với đó, với việc áp dụng công nghệ thi công tiên tiến, các giải pháp xử lý địa chất phức tạp, cấu kết xi măng, giải pháp bước đào, biện pháp gia cố..., các kĩ sư đã thành công nâng cao chất lượng thi công công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh là một trong 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II (2021 – 2025). Tuyến đường có tổng mức đầu tư gần 14.800 tỷ đồng và được khởi công vào 1/1/2023. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Tuyến đường có chiều dài là 61,7 km (không tính đoạn đi trùng với hầm Cù Mông). Trong đó, đoạn đi qua Bình Định dài khoảng 19,6 km và đoạn đi qua Phú Yên dài khoảng 42,1 km.
Điểm đặc biệt là phần lớn đường cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh chạy dài trên các sườn núi, đỉnh đồi. Cụ thể, về phía Nam, sau khi qua hầm Cù Mông, tuyến đi qua địa phận thị xã Sông Cầu, bám sườn núi Con Quan , sườn phía Tây của núi Côn Lôn rồi tiếp tục chạy dài về phía Nam về địa phận huyện Tuy An.
Cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh sau khi hoàn thành sẽ kết nối với các dự án thành phần khác của cao tốc Bắc – Nam tạo nên trục giao thông thuận lợi xuyên suốt đất nước. Dự kiến, cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ giúp rút ngắn thời gian đi từ Phú Yên đến Thành phố Hồ Chí Minh từ 8h hiện nay xuống còn 5h, từ Phú Yên đến Hà Nội từ 20h xuống còn 14h.
Thái Hà