Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn
Tại Toạ đàm: "Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt" do Báo Giao thông tổ chức sáng 19/11, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12- Bộ Quốc phòng) đã tham gia.
Được biết, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh vừa trở về sau chuyến công tác gần 10 ngày tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) tại Trung Quốc.
Tại tọa đàm, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: "Trường Sơn chuẩn bị sẵn sàng tham gia dự án sắp tới với tư cách nhà thầu lớn đã tham gia nhiều dự án lớn trên cả nước. Nếu có sự hỗ trợ chính sách của Đảng, Nhà nước tôi tin nhà thầu xây lắp Việt có thể tự hoàn thành các hạng mục".
Ông cho biết, việc chuyển hướng tiếp cận, tiến tới tham gia, làm chủ công nghệ xây dựng đường sắt nói chung, nhất là ĐSTĐC đã sớm được xác định trong nghị quyết của Đảng ủy và chiến lược sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
"Chúng tôi đã có phương án tăng vốn chủ sở hữu đáp ứng, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để liên danh liên kết khi tham gia đấu thầu dự án; hợp tác với các trung tâm đào đạo, cấp văn bằng, chứng chỉ cho kỹ sư đường sắt; đồng thời tổ chức tham quan học hỏi các nước như Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc. Ngoài ra, Trường Sơn cũng chuẩn bị nguồn lực tiến tới đầu tư trang thiết bị phù hợp", Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nói.
Vị lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết thêm rằng thiết kế dự án đường bộ hay ĐSTĐC vẫn có cầu, nền đường, hầm - những hạng mục gần như chúng ta đã làm chủ công nghệ thi công. Có chăng, một số hạng mục yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn, đòi hỏi tính chính xác cao hơn thì nhà thầu sẵn sàng học hỏi bổ sung. Trường Sơn còn tính đến phương án liên danh với các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện các hạng mục khó, tích lũy kinh nghiệm để tự chủ các phần việc sau đó.
Trước đó, chiều ngày 31/7, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã tham dự buổi gặp mặt, trao đổi công việc với Tập đoàn xây dựng công trình Đường sắt Trung Quốc và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam. Với tinh thần hợp tác, cởi mở, thân thiện, buổi làm việc đã giúp các bên hiểu thêm về năng lực, cùng trao đổi những kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công đường sắt và đồng thuận hướng tới hợp tác chiến lược giữa 3 bên, đáp ứng năng lực chuẩn bị cho kế hoạch triển khai đường sắt cao tốc của Việt Nam trong tương lai.
Hồi tháng 5 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã tới thăm, làm việc với Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã yêu cầu Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn "chuẩn bị sớm nguồn nhân lực để tham gia những dự án mới như đường sắt tốc độ cao, cảng biển lớn".
Tổng công ty 319
Cũng có mặt tại Toạ đàm: "Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt" do Báo Giao thông tổ chức sáng 19/11, Đại tá Phan Phú, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng cho biết: "Tổng công ty 319 là doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước. Cũng như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, chúng tôi đã thống nhất cao việc nhập cuộc dự án ĐSTĐC trong nhận thức bằng nghị quyết của Đảng uỷ Tổng công ty".
Đại tá Phan Phú chia sẻ rằng ngay trong năm 2023, một số đoàn công tác của Tổng công ty thông qua thư mời của các tập đoàn, tổng công ty lớn đã đi học hỏi kinh nghiệm đầu tư ĐSTĐC và tổ chức các lớp liên danh, liên kết đào tạo. Tổng công ty 319 cũng đã làm việc với đối tác qua Kuala lumpur (Malaysia) để tiếp cận, học hỏi công nghệ thi công.
"Cũng cần khẳng định, đối với thiết bị công nghệ, chúng ta có thể dùng vốn đầu tư ngay nhưng nhân lực thì không thể ngày một ngày hai. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà. Chúng tôi mong rằng, đứng trước cơ hội thị trường xây lắp vô cùng lớn từ dự án ĐSTĐC, các doanh nghiệp trong nước sẽ bắt tay nhau thay vì triệt tiêu. Chỉ có hợp tác là cơ hội duy nhất để tham gia sâu vào dự án", Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 319 nói.
Trước đó, hôm 1/11, Tổng Công ty 319 và Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông Trung Quốc (CCCC) đã tổ chức buổi họp làm việc, tập trung thảo luận nhằm tăng cường hợp tác và tìm kiếm cơ hội trong các dự án giao thông vận tải, với trọng tâm là phát triển hệ thống ĐSTĐC tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, hai bên đã tập trung thảo luận về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực ĐSTĐC, bao gồm việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý, vận hành dự án ĐSTĐC.
Lãnh đạo Tổng Công ty 319 nhấn mạnh: Việc phát triển hệ thống ĐSTĐC sẽ góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, đồng thời giảm thiểu áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ.
Phía Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông Trung Quốc bày tỏ mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Đại diện CCCC đã chia sẻ những thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong phát triển đường sắt cao tốc, đồng thời cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp tiên tiến nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí khi triển khai dự án.
Thái Hà